5 nguyên tắc vàng dạy con thành người tài đức, nhớ rằng ‘chiều con là dập tắt tương lai con’
Ai sinh con ra cũng mong muốn nuôi dạy con thành người tài đức vẹn toàn nhưng không phải gia đình nào cũng làm được.
Con mình thì ai chẳng thương, đây chính là tâm lý của tất cả các ông bố bà mẹ trên thế giới. Tuy nhiên thương thế nào cho đúng cách lại là vấn đề mà mỗi bậc phụ huynh phải tự mình nhìn nhận lại.
Nhiều người cho rằng, “thương cho roi cho vọt”, dạy con thì phải đặc biệt nghiêm khắc thì con mới ngoan. Cũng có một số mẹ lại quan niệm cứ cho con tất cả những gì con muốn – đó chính là yêu thương con. Vậy đó có phải là những quan niệm dạy con đúng cách?
Theo các chuyên gia tâm lý mẹ và bé, dạy con là cả một hành trình gian lao, vất vả với không ít những khó khăn thử thách. Để bé có thể phát triển toàn diện trong một môi trường thoải mái nhưng cũng có những nguyên tắc nhất định thì người mẹ phải chú trọng đến cách nuôi dạy con mỗi ngày.
Không nên quá nhu nhược, yêu mềm nhưng cũng không được quá nghiêm khắc, mẹ phải nằm lòng những nguyên tắc này để giúp trẻ ngoan ngoãn và tự lập hơn trong tương lai.
“Chiều con là hại con”
Bất cứ thứ gì con cần mẹ đều đáp ứng vô điều kiện. Mới nghe qua có thể thấy đây chính là một người mẹ vô cùng tuyệt vời mà nhiều đứa trẻ mơ ước. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, quá nuông chiều con lại là con đường khiến con trở nên xấu tính, khó ưa nhanh nhất. Trẻ muốn gì mẹ đều đáp ứng, qua nhiều lần lặp lại như thế, bé sẽ nhận thấy mình chính là trung tâm của mọi thứ và mọi nhu cầu của mình sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.
Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng này, trẻ sẽ càng ngày càng đòi hỏi nhiều thứ vô lý hơn, trở nên lãng phí, kiêu ngạo, không biết nhẫn nhịn, chịu khó. Không chỉ vậy, cách dạy con sai lầm này còn tạo nên thói hay khóc lóc ăn vạ và làm phiền người khác kéo dài cho đến khi lớn lên.
Đừng lo lắng thái quá
“Con còn quá nhỏ, con sợ nước, bụi bẩn không tốt cho con, loại động vật này sẽ gây hại cho trẻ” và hàng trăm hàng nghìn những nỗi lo khác luôn xuất hiện trong trí não của các bà mẹ. Lo lắng cho con là điều tất nhiên đối với các bậc phụ huynh nhưng lo lắng thái quá lại không tốt một chút nào.
Chỉ cần bé té ngã một chút, mẹ đã vội vàng đến đỡ ngay, chỉ cần thấy con đi chân đất, mẹ vội vàng giúp con đeo dép, con thích mèo nhưng chưa kịp lại gần mẹ đã nhanh chóng bế con ra xa vì sợ lông mèo gây hại,…
Chính những điều đó, sự chăm sóc quá kỹ lưỡng, tỉ mẩn và nỗi lo sợ bất an từng giờ của mẹ đã khiến con ngày càng nhút nhát, yếu đuối hơn. Bé sẽ quen với sự bảo bọc, chăm sóc của mẹ và từ đó luôn có tâm thế dựa dẫm, ỉ lại vào người khác.
Đương nhiên là khi lớn lên, những em bé này sẽ không thể tự lập tốt và dễ bế tắc mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn như những bạn cùng trang lứa rồi.
Không được mủi lòng
Xót con là tâm lý chung thường gặp phải ở những người mẹ trẻ. Chỉ cần nhìn thấy con khóc nức nở hoặc chẳng may bị vết trầy bé tí, nhiều chị em đã bắt đầu mủi lòng và bỏ qua hết mọi “tội lỗi” của con đã mắc phải. Một số trẻ nắm bắt tâm lý này của mẹ mình và luôn cố đem nước mắt ra để “đe dọa” mẹ, bắt mẹ xí xóa hết mọi sai trái gây ra.
Khi con mắc lỗi, điều mẹ cần làm nhất đó chính là giải thích cho con hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề đồng thời yêu cầu bé tuyệt đối không được lặp lại điều đó nữa.
Trong trường hợp con quá cứng đầu hoặc vi phạm quá nhiều lần, mẹ cần có những hình phạt nghiêm túc để bé có thể sửa sai. Nếu cứ thấy con khóc lóc, mẹ lại mủi lòng, thương xót mà bỏ qua thì trẻ sẽ không còn ý thức được hậu quả của những việc làm sai trái mình làm nữa, từ đó không biết tự nhận lỗi cũng như sửa đổi.
Đừng phân biệt đối xử khi ở trước mặt trẻ
Người mẹ nào cũng thương con mình nhất, nhưng nếu là một người mẹ thông minh thì cần biết cách thể hiện tình yêu thương thật đúng cách.
Mẹ đừng lúc nào cũng thể hiện ra cho bé biết con là quan trọng nhất, mọi người trong gia đình sẽ không có ai nhận được sự yêu thương nhiều hơn con hoặc bạn bè cũng chẳng đẹp, chẳng giỏi như con. Điều này vô tình làm bé cảm thấy mình quan trọng hơn so với những người khác và có xu hướng trở nên ích kỷ, kiêu ngạo.
Tuyệt đối đừng xuống nước, năn nỉ con
Một số bà mẹ không nỡ la mắng con dù chỉ một câu mà khi muốn bé làm gì đó, lại bắt đầu xuống nước năn nỉ ỉ ôi. Mẹ cần phân biệt kỹ giữa phương pháp dạy con mềm mỏng và việc năn nỉ con.
Tâm lý trẻ con càng được năn nỉ thì sẽ càng trở nên ưỡn ẹo, không muốn làm. Việc mẹ thường xuyên dụ dỗ năn nỉ sẽ chỉ khiến trẻ không phân biệt được đúng sai, chẳng còn biết sợ hay tôn trọng mẹ nữa.
Nếu mẹ thực sự muốn con mình là một đứa bé ngoan ngoãn, biết cảm thông thấu hiểu và hòa đồng với người khác thì hãy tránh xa những lỗi dạy con vô cùng tai hại này nhé.