Bao tay, bao chân, mũ đội đầu – 3 thứ vừa vô dụng lại gây h.ại cho con mẹ cần biết
Bao tay, bao chân và mũ đội đầu trong nhà là 3 thứ “vô dụng” nhất. Không những “vô dụng” mà còn gây hại cho trẻ sơ sinh.
Bao tay, bao chân, mũ đội đầu là ba thứ luôn được cho vào danh sách những đồ cần mua cho trẻ sơ sinh và chắc chắn không có bố mẹ Việt nào chưa từng cho con dùng 3 thứ này. Hình ảnh một em bé sơ sinh được quấn chặt (để cho đỡ bị giật mình) tay đeo bao tay, chân đeo bao chân và đầu nhất định đội mũ đã quá quen thuộc đến mức chúng ta không hề nhận thấy bất cứ điều bất thường gì. Mùa đông thì không nói, nhưng ngay cả khi sinh vào mùa hè, bé có thể không đội mũ, nhưng nhất định là phải đeo bao tay, bao chân.
Lí giải cho thói quen này, đa phần mọi người cho rằng làm như thế để trẻ không bị lạnh. Mà từ trước đến giờ mọi người đều làm như vậy, nên dĩ nhiên không ai thắc mắc rằng nên hay không nên đeo bao tay, bao chân, đội mũ trong nhà cho trẻ sơ sinh.
Thế nhưng thực tế, bao tay, bao chân và mũ đội đầu trong nhà là 3 thứ “vô dụng” nhất. Không những “vô dụng” mà còn gây hại cho trẻ sơ sinh, cả về sức khỏe và quá trình phát triển các kỹ năng, đặc biệt là xúc giác.
Đeo bao tay, bao chân, đội mũ tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh
Ở nước ngoài, các chuyên gia chăm sóc trẻ sơ sinh đều không khuyến khích trẻ đội mũ trong nhà, mặc nhiều lớp quần áo/cuốn trẻ, đeo bao chân, bao tay (dù nhiệt độ phòng thường dao động ở mức 20 độ). Điều này là để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và tránh cho trẻ bị nóng quá mức, vì vùng đầu là nơi giúp bé “giải nhiệt”.
Trang Lullabytrust – một chuyên trang uy tín của Anh, tư vấn về chăm sóc trẻ nhỏ cũng khuyến cáo không mũ, không bao tay, bao chân cho trẻ sơ sinh. Trang này cũng cho biết nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) tăng cao khi trẻ bị quá nóng, thân nhiệt tăng. Chuyên trang này liệt kê chi tiết 2 điều bố mẹ tuyệt đối phải tuân theo khi chăm sóc trẻ sơ sinh.
Đeo bao tay, bao chân, đội mũ tăng nguy cơ độ tử ở trẻ sơ sinh. (Ảnh: Mother)
– Tránh cho trẻ bị quá nóng
Điều tối quan trọng mà bố mẹ cần nhớ là tránh cho trẻ bị quá nóng hoặc quá lạnh khi trẻ ngủ. Nếu trời lạnh, trẻ chỉ cần mặc quần áo một lớp, đắp chăn là đủ để giữ ấm, không bao giờ mặc áo nhiều lớp cho trẻ, đeo bao chân, bao tay, đội mũ và dùng gối cho trẻ dưới 1 tuổi.
Bố mẹ có thể kiểm tra thân nhiệt của trẻ bằng cách xem con có mồ hôi ở bụng, lưng, cổ. Chân và tay trẻ có thể lạnh là điều bình thường. Ngay cả trẻ bị sốt cũng cần mặc ít quần áo, không nên cố giữ ấm trẻ.
Trẻ cần được ở trong môi trường nhiệt độ dễ chịu – không nóng quá, không lạnh quá. (Ảnh: Mother)
– Trẻ cần được ở trong môi trường nhiệt độ dễ chịu – không nóng quá, không lạnh quá
Nhiệt độ phòng 16-20 độ C là nhiệt độ lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Khi này trẻ chỉ cần đắp một chiếc chăn mỏng khi ngủ là được. Với nhiều người lớn, nhiệt độ này có thể lạnh, nhưng với trẻ con thì lại khác. Với trẻ sơ sinh, giấc ngủ rất quan trọng với sự phát triển tổng thể của trẻ. Vì thế trẻ cần được ngủ một cách thoải mái nhất, trong môi trường không nóng quá, không lạnh quá. Đừng bao giờ ủ ấm trẻ, mặc nhiều áo, đội mũ trong nhà, đeo bao tay bao chân và còn đắp thêm một chiếc chăn dày. Trẻ sẽ chẳng thể nào mà ngủ ngon được với nhiệt độ nóng như thế.
Không cần thiết đeo bao chân, bao tay cho trẻ. (Ảnh: Mother)
Đeo bao tay, bao chân cản trở quá trình phát triển kỹ năng của trẻ
Ngoài việc trẻ có thể bị tăng nguy cơ đột tử, thì việc đeo bao tay, bao chân vô tình cản trở quá trình phát triển xúc giác ở trẻ. Trẻ cần được để tay trần, chân trần tiếp xúc với da của mẹ, áo của mẹ và các đồ vật khác nữa. Tương tự như việc da tiếp da với bé, nhiều người chưa làm đúng. Quấn con trong chăn thật chặt rồi ôm con thì sẽ không có tác dụng, và không thể gọi là da tiếp da. Da tiếp da phải là cởi bỏ hết quần áo của con, áp con lên ngực trần của mẹ, hai mẹ con sẽ đắp chung một chiếc chăn mỏng.
Ngay từ trong bụng mẹ, trẻ đã có đôi bạn thân thiết chính là 2 bàn tay của trẻ. Khi ấy trẻ đã dùng tay để cảm nhận các bộ phận trên cơ thể cũng như cho ngón tay vào miệng mút. Điều này giúp tăng xúc giác cũng như chuẩn bị cho việc bú mẹ.
Nếu không dùng bao tay, trẻ có thể cào xước mặt. Những vết cào này không có gì nguy hiểm, nhanh lành và trẻ sẽ dần học được cách điều khiển đôi tay để không cào xước mặt nữa.
Đeo bao chân bao tay cho bé không những vô nghĩa trong việc giữ ấm trẻ, vô tình làm trẻ nóng mà còn khiến trẻ khó chịu vì không được chạm vào đồ vật một cách tự nhiên nhất. Trẻ sơ sinh ham khám phá mọi thứ xung quanh. Trẻ còn có thú vui đó là tự ngắm tay mình và chơi với chúng. Lớn hơn chút nữa, trẻ thích giơ chân lên và gặm. Vì thế hãy bỏ bao chân, bao tay cho bé, để bé được phát triển tự nhiên và phát triển xúc giác một cách hoàn hảo.