Con trai 4 tuổi đi mẫu giáo bị 𝚋ạ𝚗 𝚌ắ𝚗, lúc hai phụ huynh đối mặt, cách nói của người mẹ được khen: “Quá chuẩn!”

Trẻ nhỏ xảy ra xung đột, xô xát là chuyện phổ biến, thạc sĩ tâm lý khuyến cáo bố mẹ cần phải tỉnh táo để giáo dục trẻ đúng đắn trong tình huống này.

Trẻ đến giai đoạn đi học, thế giới của trẻ sẽ không chỉ giới hạn trong gia đình, mà các mối quan hệ xã hội của trẻ sẽ ngày càng rộng ra. Lúc này, không thể tránh khỏi tình huống những đứa trẻ xảy ra bất hòa trong quá trình vui chơi, sinh hoạt chung, dẫn đến việc xô xát đánh nhau.

Hệ quả là có những đứa trẻ bị bạn bè tác động vật lý mạnh nên đã để lại thương tích trên cơ thể, đồng thời tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lý do khiến tình huống trên diễn ra đôi khi lại rất nhỏ nhặt nên nếu bố mẹ can thiệp vào chuyện của con cái một cách thái quá là điều không tốt.

Đối với trẻ em, một món đồ chơi nhỏ cũng có thể là nguyên nhân gây ra cãi vã, để giành lấy nó mà bé sẵn sàng động tay, động chân, thậm chí là dùng miệng cắn bạn. Mặc dù việc bố mẹ can thiệp quá nhiều vào những cuộc cãi vã giữa con cái là điều không tốt, nhưng đôi khi ở những tình huống nghiêm trọng thì chỉ có sự can thiệp của bố mẹ mới có thể giải quyết vấn đề kịp thời.

Chị Trương, có một cậu con trai năm nay 4 tuổi, đang theo học tại một trường mẫu giáo. Đầu tuần này, vào giờ vui chơi tự do tại lớp học, một bé gái bất ngờ cắn con trai chị Trương trong lúc cả hai tranh giành một món đồ chơi, vết thương khá nặng vì sâu và chảy máu khiến cậu bé đau rát khóc rống lên.

Nhận được tin báo từ cô giáo, chị Trương lập tức đến trường và sau đó cùng cô giáo đưa con trai đến bệnh viện để khử trùng. Vài ngày sau, phụ huynh hai bên cùng đứa trẻ được mời đến trường để giải quyết sự việc. Lúc này, chị Trương không hề tỏ thái độ tức giận, ngược lại chị bình tĩnh trao đổi với bố mẹ bé gái và vui vẻ chấp nhận lời xin lỗi từ họ.

Trước đó, chị đã khéo léo ổn định cảm xúc cho cậu con trai. Vì vậy tại thời điểm hiện tại, cậu bé không những không giận bạn, mà còn chủ động làm hòa và tiếp tục vui chơi một cách hòa thuận với các bạn trong lớp. Cách giải quyết vấn đề và giáo dục con của chị Trương sau đó đã nhận được sự nể phục, tán dương từ những bậc bố mẹ khác trong trường mẫu giáo.

Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều ông bố bà mẹ mỗi khi nhìn thấy con mình đánh nhau với đứa trẻ khác ở trường, đều sẽ cảm thấy con mình bị oan nên sẽ bất chấp phải trái đúng sai, thậm chí là trắng đen đảo ngược để trách tội con của người khác.

Cách xử lý có thể khiến cho những đứa trẻ hình thành nhận thức sai về vấn đề, mà còn ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện tính cách của trẻ trong tương lai. Đồng thời, bố mẹ đang gián tiếp phá vỡ vòng tròn mối quan hệ xã hội của trẻ, khiến trẻ mang một hình tượng xấu trong mắt mọi người xung quanh.

Vì để giúp bố mẹ nuôi dạy con cái tốt hơn trong tình huống không khó hiếm gặp ngày nay, Thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi sẽ chia sẻ góc nhìn của mình và đưa ra những gợi ý hữu ích. Từ đó, các bậc phụ huynh kịp thời có những phương pháp điều chỉnh phù hợp khi con xảy ra xung đột, xô xát với bạn bè trong trường học.

Con trai 4 tuổi đi mẫu giáo bị bạn cắn, lúc hai phụ huynh đối mặt, cách nói của người mẹ được khen: “Quá chuẩn!” - 4

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TPHCM.

1, Theo chuyên gia, nếu trẻ mẫu giáo xảy ra xô xát tại trường học thì trách nhiệm thuộc về ai? Chuyên gia có thể chia sẻ một trường hợp thực tế mà bản thân đã chứng kiến, hoặc được nhờ tư vấn về tình huống trẻ mẫu giáo đánh nhau?

Trẻ mẫu giáo đang trong độ tuổi rất dễ bắt chước những hành vi ứng xử của người lớn và bạn bè đồng trang lứa, đặc biệt là cha mẹ và giáo viên. Nếu bố mẹ và giáo viên sử dụng những phương pháp răn đe bằng la mắng, roi vọt với trẻ hoặc xử sự có khuynh hướng bạo lực với người khác thì trẻ cũng học cách giải quyết vấn đề bằng nắm đấm, bạo lực. Do đó, người lớn nên cẩn trọng hành vi của mình trước mặt trẻ.

Nếu trẻ nhìn thấy các hành vi bên ngoài xã hội, bố mẹ, giáo viên nên trao đổi với trẻ về tác hại của hành vi bạo lực và những hậu quả mà nó gây ra, sau đó hướng dẫn trẻ cách khác hiệu quả hơn để phản ứng. Đôi khi, do không có hình mẫu phản ứng nào hiệu quả nên các con mới sử dụng sức mạnh để đạt được cái mình muốn, do vậy trong tình huống này việc bố mẹ hướng dẫn con là cần thiết.

Lưu ý, khi thấy trẻ có hành vi xô xát với các bạn thì người lớn cần tách trẻ ra, hỏi rõ cảm xúc và mong muốn của con, lý do xảy ra xô xát là gì, tránh trách mắng trẻ nặng lời và quy gán cho trẻ là đứa trẻ hỗn hào, ngỗ ngược.

Trẻ nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo mới bắt đầu hình thành cái tôi và khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi cũng còn hạn chế nên dễ bộc lộ sự gây hấn khi không được như ý, càng rõ nét khi trẻ là đứa trẻ được gia đình đáp ứng tất cả mong muốn của trẻ ngay lập tức.

Nói như vậy có thể thấy trường hợp trẻ có đánh, cào, cấu, xô đẩy bạn là không hiếm tại các trường mầm non. Mặc dù, khi trẻ đến trường thì các thầy cô giáo cần đảm bảo trẻ an toàn trong phạm vi lớp học nhưng các con trong lớp đông, cô lại có nhiều việc liên quan đến dạy dỗ và chăm sóc nên không thể đảm bảo 100% theo sát được các con, để ngăn chặn hoàn toàn hiện tượng trẻ có hành vi bạo lực.

Như vậy, trách nhiệm một phần thuộc về gia đình, một phần thuộc về nhà trường trong việc giáo dục, định hướng cho trẻ những hành vi phù hợp, đồng thời có sự can thiệp kịp thời để không gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.

Trong quá trình làm tham vấn thì tôi có gặp trường hợp bé mầm non bị bạn cắn tới mức chảy máu đầy trên mặt và cơ thể, người mẹ vô cùng xót con và không biết cần phải làm như thế nào với bé kia, lo lắng con bị ảnh hưởng tâm lý.

Con trai 4 tuổi đi mẫu giáo bị bạn cắn, lúc hai phụ huynh đối mặt, cách nói của người mẹ được khen: “Quá chuẩn!” - 3

Tuy nhiên, trẻ con hồi phục khá nhanh, và không gây ảnh hưởng sâu sắc về tinh thần nếu con được hỗ trợ kịp thời và đúng cách. Bên cạnh đó, đứa trẻ gây ra thương tích cho bạn mình cũng nên được hỗ trợ, để hiểu nhu cầu và uốn nắn hành vi ứng xử. Từ đó, có thể giúp cả hai đứa trẻ hoà thuận hơn khi chơi cùng với nhau hoặc với các bạn khác.

2, Trong trường hợp sự việc để lại thương tích về cả thể chất lẫn tinh thần, lúc này bố mẹ cần xử lý như thế nào để tốt nhất cho trẻ?

Trong tình huống có xô xát ở trường mầm non, dù là có gây thương tích hay không thì cũng cần có sự can thiệp và hỗ trợ của bố mẹ để con đảm bảo sẽ không gặp lại tình huống tương tự. Tuy nhiên, trong trường hợp gây ra thương tích thì bố mẹ các bên đều cần bình tĩnh để xem xét tình hình, và giải quyết trong hòa bình, mang tính xây dựng để có thể làm tấm gương tốt cho các con học hỏi.

Những trường hợp gây ra thương tích nghiêm trọng, trẻ cần được đưa đi cấp cứu và hỗ trợ cả về thể chất lẫn tinh thần. Bên gây ra hậu quả, ngoài việc cần bồi thường và khắc phục theo quy định của pháp luật thì còn cần giảng giải cho con mình hiểu rõ, những hành vi bạo lực đã dẫn đến tổn thất nghiêm trọng như thế nào.

Hãy đồng hành cùng con, giúp con chịu trách nhiệm về hành vi ấy (ví dụ: đưa con đến thăm bạn, xin lỗi bạn và tặng một món quà để làm hòa), tất nhiên là tuyệt đối không đánh, mắng con mình, đồng thời cũng không dùng vũ lực để tác động lên đứa trẻ khác.

Đình chỉ công tác cô giáo mầm non đánh trẻ - Giáo dục

3, Trong thực tế, có nhiều phụ huynh đã ra sức bảo vệ con mình một cách “mù quáng”, thậm chí là không nói lý lẽ mà tác động đến đứa trẻ khác, dẫn đến tình huống các bậc cha mẹ xảy ra cãi vã, xô xát, chuyên gia nghĩ gì về cách hành xử này?

Là bố mẹ thì hầu hết ai cũng thương con, mong muốn bảo vệ con và đau lòng khi có chuyện không mong muốn xảy ra với con. Do vậy, có thể hiểu là để cha mẹ bình tĩnh xử lý mọi chuyện, thì cần một sự nỗ lực lớn cũng như kinh nghiệm sống dày dặn. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không làm được điều này thì khó lòng dạy con cách không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Khi trẻ con có gây gổ với bạn, thực chất đó không phải là điều con hay bạn con mong muốn, cha mẹ hiểu được điều này để bình tĩnh xử lý, tránh gây thêm tâm lý hoang mang và sợ hãi cho trẻ. Làm mẫu cho trẻ những cách khác nhau để đạt được điều mình thích, mà không cần gây tổn hại đến ai.

Làm bố mẹ là một tiến trình để mỗi người tự học hỏi và hoàn thiện chính mình, vậy nên những bậc cha mẹ cũng cần học hỏi và kiểm soát hành vi, ngôn ngữ của mình, tìm hiểu rõ ngọn nguồn nguyên nhân để tìm cách khắc phục phù hợp nhất.

4, Chuyên gia có lời khuyên như thế nào đối với các bậc bố mẹ trong việc giáo dục con tự bảo vệ thân thể của mình, đồng thời xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với các bạn khi ở trường?

Xây dựng cho con những giá trị sống tích cực, tốt đẹp là điều cần thiết cho con, điều này sẽ giúp bảo vệ con trong suốt cả cuộc đời, không chỉ riêng ở giai đoạn ấu thơ. Những giá trị con người mà trẻ cần học là sự yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, hoà bình, công bằng, nhân ái và những kỹ năng giao tiếp, thương lượng, giải quyết vấn đề luôn cần được vun đắp, xây dựng cho con ngay từ nhỏ.

Trẻ có được những giá trị này, sẽ không đòi hỏi người khác phải chia sẻ đồ của họ cho mình với bất kỳ lý do nào, cũng học được rằng nếu mình có thể chia sẻ được với người khác thì nên cho đi, học được cách mượn, cách xin và cách chung sống mà không cần đến bạo lực.

Tuy nhiên, kỹ năng để sinh tồn cũng nên được trao đổi với trẻ, ví dụ như trong trường hợp bạn đang mất kiểm soát và sử dụng bạo lực thì con nên tránh xa ra, đến chỗ thầy cô hoặc người lớn để được bảo vệ và hỗ trợ là điều cần thiết, tránh để bị bạn đánh liên tiếp hoặc lặp đi lặp lại.

Tất cả các giá trị và kỹ năng tốt cho con nên được vun bồi từ nhỏ, bất cứ khi nào có dịp cha mẹ đều có thể trao đổi với con qua những câu chuyện thực tế, qua phim ảnh, qua truyện hay sách báo. Đây sẽ là hành trang quý để con vững bước vào đời và biết cách ứng xử phù hợp, thay vì dùng đến vũ lực gây ảnh hưởng đến bản thân và người khác.

Theo eva

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X