Sinh con ở nước ngoài: Sản phụ sau sinh phải tắm sạch sẽ rồi mới được chăm con

Nếu như ở Việt Nam, sản phụ sau sinh phải kiêng tắm gội ít nhất 1 tuần, thì ở nước ngoài, nhân viên y tế lại yêu cầu sản phụ phải tắm sạch sẽ mới được chăm con.

Chị Đỗ Thị Thanh Nga (quê Hải Dương, hiện đang sinh sống tại CH Slovakia) mới sinh bé trai nặng đến 5kg tại bệnh viện Slovakia. Đây không phải lần đầu chị sinh nở tại nước ngoài, trước đó, năm 2015, chị cũng sinh con đầu lòng tại đây. Được trải nghiệm dịch vụ sinh nở tại nước ngoài, lại nuôi bú song song cả hai bé, chị Nga có những chia sẻ rất đặc biệt về kinh nghiệm sinh nở, kiêng cữ cũng như nuôi con sữa mẹ.

Chị Đỗ Thị Thanh Nga trong thời gian mang thai bé thứ hai vẫn duy trì cho bé lớn bú mẹ. (Ảnh: NVCC)

Nuôi bú song song con vẫn nặng cân

Chị Thanh Nga sinh bé đầu vào năm 2015 bằng phương pháp đẻ thường, khi ấy bé nặng 3,8 kg. Đầu năm 2017, chị sinh bé trai thứ hai. Lần này chị phải sinh mổ do quá ngày dự sinh 1 tuần và em bé nặng đến 5kg. dù chị đang nuôi bú song song. Chị chia sẻ, ngày con chào đời, các mẹ khác, các bác sĩ, y tá đều “viện lý do” lảng vảng vào phòng để ngó “cục vàng” 5kg của chị.

Chi Thanh Nga cho biết thời gian mang bầu chị khá nuông chiều bản thân, thích gì ăn nấy nên thai kì đầu cân nặng lúc sinh của chị là 72kg khi sinh, lần 2 thì là 74kg. Chị ăn ít cơm, nên ăn bù trái cây. Mùa nào thức ấy, vừa ngon vừa kinh tế, không ăn trái cây trái vụ. Hơn nữa cũng do cơ thể khỏe mạnh, hai thai kì đều không nghén nên việc ăn uống rất thoải mái. Chị nghĩ cả hai lần con đều nặng cân hơn chuẩn là do tâm lý không nghĩ nhiều đến chuyện cân đo con từng li từng tí.

“Cục vàng” 5kg của chị Thanh Nga. (Ảnh: NVCC)

Lần đầu chị Nga sinh thường nên có chồng vào phòng sinh cùng. Chồng nắm tay, vuốt tóc, lau mồ hôi cho vợ nên chị được an ủi phần nào. Kỷ niệm chị nhớ mãi là khi chồng nhìn thấy máu, sợ quá phải chạy ra ngoài nôn khan mấy lần. Lần đầu sinh nở do chưa có kinh nghiệm và quá mệt sau 1 đêm đau vật vã nên chị không rặn được, phải nhờ y tá trợ giúp ấn bụng mới đưa được con ra. “Cảm giác con chui ra xong sung sướng vô cùng vì không còn đau đẻ nữa”, chị Nga nói.

Lần thứ 2 gần đây thì chị lại không có nhiều kỉ niệm trong lúc sinh, vì sinh mổ là quyết định bất ngờ. Sáng chị vào bệnh viện khám, chiều mổ luôn. “Lúc mổ thì có hai bố con ngồi chờ ngoài phòng mổ. Mổ xong nhân viên y tế mang con ra cho bố và anh xem rồi đưa sang dưỡng nhi. Mẹ thì đưa vào phòng hồi sức chờ hết thuốc tê. Sinh xong vẫn chưa thấy đau, còn gọi điện cho ông bà ở nhà khoe con con được 5kg”, chị Nga chia sẻ thêm.

Chồng chị Nga cùng bé lớn. (Ảnh: NVCC)

Sản phụ sau sinh phải tắm mới được chăm con

Chị Nga sống cùng chồng tại CH Slovakia. Cả hai lần sinh nở chị đều sinh tại đây. Chị cho biết y tá bác sĩ rất nhiệt tình, việc gì chưa làm được thì họ giúp, còn đâu họ để mình tự làm. Nếu sinh thường sẽ được chăm con ngay sau khi sinh vài tiếng, còn sinh mổ thì khoảng 2 ngày. Chế độ thai sản bên nước này không có nhiều như các nước tư bản lân cận. Hỗ trợ từ nhà nước khá hạn hẹp nhưng sau sinh phụ nữ được hưởng 3 năm thai sản và dịch vụ y tế cho trẻ dưới 18 tuổi được miễn phí.

Về việc “tập 2” phải sinh mổ, chị kể: “Khi bác sĩ nói với mình là mình cần phải mổ, mình có hỏi lại là mình hy vọng có thể sinh thường, vì lần đầu mình cũng sinh thường và con được 3.8kg. Nhưng bác sĩ giải thích rằng mình đã quá ngày dự sinh 1 tuần mà không có dấu hiệu chuyển dạ, nếu sinh thường sẽ nguy hiểm cho hai mẹ con nên mổ là tốt nhất”.

Trước lúc lên bàn mổ chị Nga cũng hỏi những người đã từng sinh mổ về việc hậu phẫu, nên khá lo lắng. Nhưng sau khi đã trải qua thì chị thấy không đáng sợ như mọi người nói. Sau khi hết thuốc tê, vài tiếng y tá lại hỏi chị có thấy đau không, nếu đau họ sẽ truyền giảm đau. Hết thuốc giảm đau chị lại gọi y tá đến, và sau 48h thì vết mổ không còn đau nhiều nữa.

Lúc nằm trên giường chị Nga cố gắng tập nghiêng người cho cơ thể đỡ nhức mỏi và các cơ được hoạt động. Sinh xong 12 tiếng, y tá đến đỡ chị đi tắm. Sau 36 tiếng thì chị tự đi tắm được. Khi ấy họ rút thông tiểu để chị đi lại bình thường và tự chăm con sau 48 tiếng. Chị cho biết sinh mổ cũng khá vất vả vì vẫn còn đau, nhưng nếu cơ thể mệt quá thì nhân viên bệnh viện sẽ chăm con giúp để mẹ được nghỉ thêm.

Điểm đặc biệt là sinh nở ở nước ngoài không có chuyện kiêng cữ gì. Sản phụ sinh xong phải tắm sạch sẽ mới được chăm con.

“Mẹ phải tự chăm con nên không thể kiêng nước, kiêng đi lại hay bất cứ kiểu kiêng gì giống ở Việt Nam mình. Họ khuyên mình nên đi lại nhẹ nhàng cho nhanh hết sản dịch, vì sản dịch là dịch chết, ra khỏi người sớm là tốt nhất, không nên nằm một chỗ để sản dịch tích tụ trong người lâu. Họ khuyến khích ăn uống đa dạng thực phẩm và trái cây, vì sau sinh cơ thể cần được phục hồi do mất máu, mất sức. Ăn ngon miệng cũng là bí quyết để có sữa dồi dào cho con”, chị Nga chia sẻ kinh nghiệm về kiêng cữ sau sinh tại bệnh viện nước ngoài.

Dù nuôi bú song song, nhưng bé thứ hai chào đời nặng đến 5kg. (Ảnh: NVCC)

Nặng đến 5kg nên mới chào đời mà trông bé như đã tròn 1 tháng tuổi. (Ảnh: NVCC)

Không bị bác sĩ phản đối khi nuôi bú song song

Hiện tại chị Nga nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, và vẫn duy trì cho bé lớn bú mẹ, kể cả trong thai kì vẫn cho bé đầu bú. Không như ở Việt Nam, các bác sĩ thường phản đối chuyện nuôi bú song song vì nghĩ như thế sẽ không tốt cho thai nhi và tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, các bác sĩ tại Slovakia lại không hề ngăn cản việc này.

Mặc dù thai kì lần 2 chị Nga gặp một số vấn đề như bị ra dịch nâu, tụ dịch trong, bong nhau nhưng bác sĩ chỉ theo dõi chặt chẽ mà không kê thêm thuốc nội tiết hay bất cứ thuốc gì khác. Đặc biệt là bác sĩ cũng không phản đối chuyện cho con bú trong thai kì. Chị Nga cho biết sau một thời gian theo dõi thì các vấn đề kia đều tự biến mất và con trai lớn của chị vẫn được bú mẹ đến bây giờ.

Theo Giadinhmoi

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X