Nữ sinh lớp 9 không qua khỏi sau giờ thể dục ở nội dung chạy 250m
Cả lớp cùng tham gia tiết học thể dục với nội dung chạy bền, chạy ngắn nhưng sau khi chạy bền khoảng 250 m về đích thì nữ sinh có biểu hiện loạng choạng sau đó té ngã.
Mỗi năm, con vào đầu năm học mỗi lớp, tôi đều nhận được một tờ khai sơ yếu lý lịch. Trong đó ngoài những thông tin cá nhân học sinh và gia đình ra, luôn có một phần để trống giúp phụ huynh có thể nhắn một vài thông tin riêng cho giáo viên chủ nhiệm.
Tại mục này, tôi thường ghi chú rõ bệnh lý hen suyễn bẩm sinh của con để cô có thể dựa vào đó mà sắp xếp các hoạt động phù hợp với sức khỏe của bé khi ở trên trường hoặc nếu có thắc mắc thêm về tình trạng của học sinh thì giáo viên cũng có thể liên hệ trực tiếp với cha mẹ học sinh.
Phần khai sơ yếu này tôi thấy rất cần thiết vì thời gian các bé ở trường còn nhiều hơn ở nhà, lại không có cha mẹ theo quản, bản thân các bé có thể chưa ý thức hết được mức độ nguy hiểm của căn bệnh mình đang mang. Ngoài ra, ở trường không chỉ học kiến thức mà còn có các tiết thể dục là môn học bắt buộc để rèn luyện thể chất cho các con.
Nếu học sinh và phụ huynh không chủ động thông báo với nhà trường về bệnh lý của con mình để được sắp xếp phù hợp trong các hoạt động thể chất thì điều này có thể dẫn đến nguy hiểm cho bé. Tuy nhiên, có những bé mang bệnh tiềm ẩn mà gia đình và học sinh chưa phát hiện được nên không kịp báo cho giáo viên và nhà trường.
Mất mát của gia đình nữ sinh lớp 9 ở Buôn Ma Thuột mới đây là một trường hợp rất đáng tiếc.
Ảnh: VOV
Tôi đọc được từ VOV thì được biết hôm 27/9, vào khoảng 7 giờ, lớp 9A2 trường THCS Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột) có tiết thể dục với nội dung chạy ngắn và chạy bền. Các em học sinh trong lớp như thường lệ đều tham gia tiết học như nhau. Đến khoảng 7 giờ 30 phút tức sau khi lớp kết thúc nội dung chạy bền 250m thì nữ sinh H. về đích biểu hiện loạng choạng, té ngã.
Giáo viên thể dục khi đó đã đến kiểm tra tình trạng của em và gọi nhân viên y tế của trường đến để hỗ trợ. Nhưng do tình trạng của em khá nghiêm trọng, sau đó trường đã lập tức chuyển em đến Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh. Tuy nhiên, nữ sinh này đã không qua khỏi.
Báo cáo từ phía trường cho biết trước khi xảy ra sự việc, nữ sinh H. không có biểu hiện bệnh lý bất thường, em hoàn toàn khỏe mạnh và vẫn đi học bình thường. Bản thân gia đình cũng không biết con có bất thường gì về sức khỏe nên cũng không báo với giáo viên. Các bác sĩ sau đó cho biết em mắc bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Được biết sau sự việc đáng tiếc, đại diện nhà trường cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình em H. cũng thông cảm với sự cố ngoài ý muốn này.
Sau khi biết đến trường hợp này, các phụ huynh có nhiều ý kiến xoay quanh việc chạy bền ở trường trong các tiết thể dục.
“Nhiều vụ học sinh chạy xong xảy ra rủi ro về sức khỏe, thậm chí t.ử v.ong trước đây rồi. Đáng lẽ nên điều chỉnh lại cho phù hợp với các em, nhiều khi chính các em và gia đình cũng không biết bị bệnh.”
“Các em nữ chạy bền, chống đẩy rất nguy hại. Nhiều khi mệt xin nghỉ thầy hoặc cô còn không cho bắt chạy bằng được.”
“1 tuần có 2 tiết. Cả 1 học kỳ học có 1 nội dung để kiểm tra mà bạn. Các tiết học chính là rèn luyện rồi đó. Yêu cầu để được điểm 5-6 cũng không phải cao. Những rủi ro như này là do em ấy có bệnh tiềm ẩn. Nếu em ấy tập luyện thể thao thì có lẽ đã biết có bệnh từ trước. Chứ đây đến cả gia đình còn không biết thì sao cô giáo biết được.”
“Không nên để một số nội dung trở thành bắt buộc trong môn thể dục ở các trường phổ thông nhử chạy, nhảy cao, … bởi thể trạng các em nhỏ rất khác nhau. Chỉ vì sợ điểm thấp nên nhiều em phải cố gắng ngoài khả năng chịu đựng. Khi có sự cố xảy ra, giáo viên dạy thể dục cũng không có đủ chuyên môn và điều kiện cấp cứu kịp thời dẫn đến điều đáng tiếc.”
Có người kể rằng bản thân mình cũng vì bộ môn này mà đến nay vẫn còn ám ảnh bởi mỗi lần kết thúc tiết học là bị buồn nôn, tay chân bủn rủn, tim đập nhanh, khó thở. Có người lại cho rằng trường hợp tương tự như trên đáng tiếc nhưng cũng khá hy hữu bởi bệnh lý tiềm ẩn không nhận biết được.
Không nên vì đó mà cắt hẳn tiết học thể dục như ý kiến của số ít phụ huynh bởi sức trẻ rất cần được rèn luyện thân thể để có sức khỏe học tập và làm những việc có ích khác. Có chăng chỉ là sàng lọc đối tượng phù hợp với nội dung bộ môn. Chẳng hạn những học sinh nếu biết mình có bệnh thì cần thông báo cho giáo viên chủ nhiệm để được sắp xếp các hoạt động thể chất phù hợp với thể trạng.
Hiện nay, theo quy định, học sinh mắc bệnh mãn tính, học sinh khuyết tật, tai nạn hoặc bị bệnh phải điều trị sẽ được miễn phần thực hành môn Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng – An ninh. Để minh bạch trong mọi trường hợp thì phụ huynh chỉ cần cung cấp cho nhà trường bệnh án hoặc giấy chứng nhận do bệnh viện cấp huyện trở lên cấp và có đơn xin miễn.
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/goc-lam-me/nu-sinh-lop-9-khong-qua-khoi-sau-gio-the-duc-o-noi-dung-chay-250m