Chua xót lý do bà nội phải đưa 3 con thơ vào rừng cao su ngủ tạm trong vụ cha mẹ bỏ mạng dưới bánh xe container

Chiều 16-1, sau khi nhận tháng lương bảo vệ đầu tiên hơn 5 triệu đồng, anh Minh liền chở vợ cùng 2 đứa con nhỏ đi sắm đồ Tết.

Quần áo cho con chưa kịp mua thì do va chạm một xe máy khác, cả nhà ngã xe giữa đường. Vừa lúc đó, container lao tới. Anh Minh và vợ tử vong do bị bánh xe container cán qua.

3 đứa trẻ bỗng chốc trở nên côi cút trong những ngày cuối năm. Đám tang 2 vợ chồng nghèo ở Bình Dương thê lương, vắng vẻ. Trong khi đó, những đứa trẻ vừa mất cha mất mẹ lại ra rừng, ra rẫy ngủ…

Xót lòng cảnh 3 đứa trẻ vạ vật ở rừng, ở rẫy khi ba mẹ vừa nhắm mắt xuôi tay

Đêm 17-1, ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vốn đã vắng vẻ, buồn tênh giờ lại thêm não nùng với điệu nhạc vọng ra từ đám tang.

Trong ánh điện chập chờn, một tấm nilon đặt trước hai quan tài. Trên đó có dòng chữ: “Tin buồn, chồng: Nguyễn Ngọc Minh (SN 1993), vợ Quách Ngọc Lạnh (SN 1993). Hưởng dương 26 tuổi”.

Tiếng nhạc đám ma cùng vết thương trên đỉnh đầu khiến bé gái 2 tuổi khóc đến khản cổ. Bà nội phải bế bé ra rừng cao su ru ngủ. Bé trai 4 tuổi được người họ hàng đưa vào rẫy sâu để cách ly không khí tang thương. Trong 3 đứa bé, Nhân (4 tuổi, đang ngồi) được họ hàng đưa vào rẫy từ buổi chiều.

Trong căn nhà vắng lặng này, đêm nào Hà (2 tuổi), Nhân (4 tuổi), Vỹ (6 tuổi) cũng ngủ chung với cha mẹ. Đêm nay mọi thứ đảo lộn. Rất nhiều người xa lạ đến, cầm tay các bé nhưng cha mẹ lại nằm bất động trong hòm.

Tiếng người khóc, tiếng nhạc đám ma khiến các bé thấy lạ lẫm. Từ khi cha mẹ chết, Nhân lúc cười, lúc ngồi im bặt, thất thần ở góc nhà. Sợ bé bị sang chấn tâm lý, họ hàng đưa bé vào sâu trong rẫy ngủ, cách ly khỏi không khí tang thương.

Do đi cùng xe máy với cha mẹ nên bé Hà (2 tuổi) và bé Vỹ (6 tuổi) bị thương vùng đầu, chân, tay. Cả hai bé ngủ tại nhà, đề phòng tình huống vết thương chuyển biến xấu có thể đi bệnh viện kịp thời. Với cái chân băng bó, Vỹ phải đi cà thọt nhưng nghe tiếng bé Hà khóc thét trong buồng, Vỹ tức tốc vào đẩy võng ru em.

Đến 9 giờ tối Hà vẫn chưa thôi khóc, tiếng ồn và cái đau ê ẩm của vết thương ở đỉnh đầu khiến bé không thể chợp mắt. Bà nội phải đưa Hà ra vạt rừng cao su gần nhà mắc võng đong đưa, vỗ về.

10 giờ đêm, Vỹ không chịu ngủ. Em kể cho người khách đến viếng nhà, hỏi chuyện em: “Hôm trước ba nói ba sẽ mua cho con 8 bộ quần áo Tết luôn. Quần jean, áo dài tay. Ba nói mặc chơi Tết rồi mặc đi học. Mà thôi, giờ ba mẹ chết rồi. Chết là không mua quần áo Tết phải không chú?”

3 giờ sáng, tưởng Vỹ đã ngủ sâu, bà nội hôn Vỹ thì phát hiện nước mắt chảy trên má cháu. Bà nội hỏi: “Gì vậy con? Sao không ngủ nữa?”. Vỹ nấc lên: “Con nhớ mẹ con”.

4 giờ sáng, bé Hà rên hừ hừ. Bà nội vội vã sờ trán bé. Trước đó bác sĩ đã dặn nếu bé nóng sốt co giật là dấu hiệu của chấn thương sọ não, phải đưa trở lại viện gấp. Thấy trán bé chỉ hơi ấm, bà nội khẽ khàng ru: “Dí dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi…”. Hát tới đây, giọng bà nghẹn ngào rồi im bặt.

Khi đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, những đứa trẻ côi cút biết nương nhờ ai…

Tiếp cận với gia đình bất hạnh này, thấy nhói lòng xót xa biết mấy. 2 vợ chồng trẻ ra đi, để lại 3 đứa con nhỏ. Người mẹ lao động nghèo khổ của anh Minh cạo mủ cao su kiếm sống và người cha bệnh tật của chị Lạnh không thể làm việc, đang được chị đón từ quê nhà lên Bình Dương phụng dưỡng.

Giờ đây, 2 người trẻ, trụ cột gia đình đã mất đi dưới bánh xe container oan nghiệt, chỉ còn lại những người già và những đứa bé nhỏ dại nương tựa vào nhau.

Càng xót xa hơn khi biết sự thật về bé Vỹ, đứa con trai lớn nhất, đứa bé đã bắt đầu ý thức được về sự mất mát của mình. Vỹ không phải là con ruột của anh Minh. Vỹ là con riêng của chị Lạnh và một người đàn ông Trung Quốc.

Năm 19 tuổi, chị Lạnh, cô gái miền Tây nghèo khổ bị lừa bán sang Trung Quốc làm dâu xứ người. Cuộc sống buồn tủi, sau vài tháng chị Lạnh đòi về Việt Nam. Người chồng Trung Quốc thấy vợ không mặn mà với mình nên cho chị ra đi. Ngặt nỗi, vừa trở về miền Tây thì chị tá hỏa khi phát hiện mình đã có thai.

Lúc này chị đã mất liên lạc với người chồng Trung Quốc và cũng nghĩ mình không yêu người đó nên chị quyết nuôi con một mình.

Khi lên Bình Dương làm công nhân, chị Lạnh yêu anh Minh (người đàn ông cùng tuổi làm nghề đốn củi). Sau khi cưới chị sinh cho anh Minh 2 đứa con. Vỹ là con riêng của vợ nhưng anh Minh xem như con mình.

Trước khi mất, người cha này còn hứa với đứa con riêng của vợ mà anh hết lòng yêu thương là sẽ mua cho con những chiếc quần áo đẹp để vừa mặc đi chơi, vừa có thể mặc đi học. Vậy mà lời hứa còn dang dở thì Vỹ và các em đã mãi mãi mất mẹ, mất cha.

Người ta nói rằng: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Giờ đây không còn cha mẹ, các em bé bất hạnh vẫn còn ông ngoại và bà nội. Nhưng đáng thương thay, những chỗ dựa của các em cũng quá là mong manh, liêu xiêu khi ông thì già yếu, bệnh tật, bà thì cũng bữa cơm bữa cháo vất vả với nghề cạo mủ độc hại.

Người lớn mang những đứa trẻ ra rừng, ra rẫy, để tránh cho các em không khí tang thương, não nề, để ru cho những đứa trẻ giấc ngủ trong những ngày ám ảnh nỗi buồn mất cha mất mẹ. Nhưng nhìn những hình ảnh này, thấy xót xa biết mấy. Đâu chỉ là nỗi buồn ngày một ngày hai có thể xoa dịu được, bởi từ đây các em bắt đầu mang phận mồ côi…

Theo giadinhmoi

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X