Cứu 34 nạn nhân chìm đò, bà cụ nghèo khó suốt 20 năm được người khác ‘cứu lại’: Đời nhân quả

Hơn 20 năm trước, một người phụ nữ làm nghề chèo đò đã cứu 34 người thoát chết kỳ diệu. Hành động dũng cảm của bà từng được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động cùng nhiều bằng khen cao quý. Nhưng ít ai ngờ về số phận của bà 20 năm sau.

Ở xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) hỏi đến nhà bà Nguyễn Thị Hệ không ai là không biết, bởi bà từng là ‘nữ anh hùng’ nổi tiếng một thời.

Nhưng giờ đây, tuổi hơn 70, bà Hệ chỉ còn lại một khuôn mặt khắc khổ, lưng bà oằn xuống theo những năm tháng. Bà cùng người chồng thương binh sống trong ngôi nhà vỏn vẹn gần 30m2, xây dựng từ hàng chục năm trước.

Bà Hệ là từng cứu sống 34 người năm xưa (Ảnh: VietNamNet)

Nhớ lại buổi sáng định mệnh trên hồ Sông Rác năm 1996, bà Hệ kể, sáng đó khi đang ăn cơm với người con trai đầu để chuẩn bị lên thuyền đi làm, bà nghe trên sông văng vẳng tiếng người kêu cứu. Vội bỏ bát đũa, bà cùng con trai chạy ra bến thuyền thì chứng kiến cảnh con thuyền của anh Hồ Văn Di chở 84 người đang dần chìm xuống dưới lòng hồ.

Không một chút đắn đó, bà cùng người con trai nhanh chóng nổ máy đưa thuyền hướng về phía người dân gặp nạn. Lúc này mặt sông dày đặc sương, tiếng người kêu khóc thảm thiết. “Tôi đưa thuyền đến nơi thấy hàng chục người đang chới với giữa lòng hồ. Tôi vội dùng cây sào dài dí xuống mặt nước để những người gặp nạn bám vào, sau đó kéo từng người một đưa lên thuyền.

Trong số 84 người có mặt trên chiếc thuyền, 54 người được cứu sống. Trong đó chính tay bà Hệ cứu sống 34 người, 11 người còn lại được người dân đánh cá cứu sống. 30 người khác vĩnh viễn bỏ mạng dưới đáy hồ Sông Rác.

Hiện trượng vụ tai nạn thời ấy (Ảnh: VietNamNet)

“Họ là những người dân sống ở các xã quanh đây thường xuyên lên thuyền qua hồ để vào núi kiếm củi. Rất nhiều người là khách quen của tôi, người lớn có, học sinh có, họ chết thật đau lòng”, bà Hệ nhớ lại.

Sau khi cứu thành công 34 mạng người dưới lòng hồ Sông Rác, bà Hệ được Thủ tướng gửi thư khen ngợi, đồng thời dành tặng cho gia đình bà số tiền 5 triệu đồng. Cũng trong năm 1996, Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 cho bà Hệ vì đã có hành động dũng cảm.

Thế nhưng, trái với dự đoán, bà Hệ không cảm thấy ‘hạnh phúc’. Suốt nhiều tháng sau đó, tinh thần bà luôn hoảng loạn. Nhiều đêm đang ngủ trong đầu lại vang lên những tiếng gọi đò, tiếng kêu cứu thảm thiết của những nạn nhân bị đuối nước khiến bà không thể chợp mắt tiếp.

“Tôi ân hận suốt mấy chục năm qua vì không cứu được nhiều người hơn. Hơn 30 mạng người nằm lại dưới lòng hồ luôn làm tôi day dứt không thôi”, bà ngậm ngùi cho biết.

Cũng theo bà Hệ, những người được bà cứu sống năm xưa giờ vì cuộc sống mưu sinh mỗi người một ngả, một số người ở gần vẫn thường xuyên đến thăm hỏi động viên bà.

Bà Hệ ngậm ngùi vì không thể cứu nhiều người hơn (Ảnh: VietNamNet)

Vậy mà oái oăm thay, người anh hùng trên hồ Sông Rác năm xưa khi về già phải sống trong cảnh nghèo khó, túng quẫn, nợ nần chồng chất mà khả năng của bà không thể chi trả.

Năm 2006, bà Hệ nghỉ hẳn đời chèo đò vì công cuộc mưu sinh quá khó khăn, bà trở về làm ruộng nhưng tuổi già đau yếu thường xuyên nên mùa làm mùa không. Hàng tháng, hai vợ chồng bà chi tiêu từ lương thương binh ¾ của người chồng với số tiền vỏn vẹn 1,4 triệu đồng.

Năm 2011, bà vay mượn 100 triệu đồng của ngân hàng để chi trả tiền mua thuyền làm ăn trước đây, đồng thời chữa trị cho người con trai gặp tai nạn. Thời gian vay tiền, bà không có khả năng trả lãi nên dư nợ ngân hàng càng tăng lên. Sau cùng, tổng dư nợ gốc và lãi lên đến gần 300 triệu đồng.

Mảnh đất nhỏ của hai vợ chồng bà Hệ (Ảnh: VietNamNet)

May mắn làm sao, khi câu chuyện của bà Hệ được chia sẻ trên mang xã hội, một số mạnh thường quân đã tới giúp đỡ, xóa bỏ số nợ và tặng một sổ tiết kiệm để vợ chồng an hưởng tuổi già. Ngày nhận được tiền từ những tấm lòng hảo tâm, bà Hệ bật khóc tức tưởi.

Thật sự quá xúc động bởi sau cùng, chân lý ‘người hiền gặp lành’ đã thành sự thật. Dẫu sự việc xảy ra từ lâu nhưng vẫn cần nhắc lại, bởi hơn cả một kỷ niệm đẹp là bài học về tình người ấm áp, là tấm gương sáng của bà Hệ để thế hệ sau noi theo.

Ngẫm thời bây giờ, mở những trang báo, bật những kênh truyền hình, đâu đâu cũng thấy xã hội lọc lừa, không bất hiếu thì cũng cướp của, khiến người ta hoài nghi về lòng tốt và sự thiện lương.

Vậy mà nhìn bà Hệ, nhiều người phải cúi đầu xấu hổ lắm, bởi giàu sang chưa chắc làm được ‘anh hùng’, có tiền bạc chưa chắc đã mua được sự dũng cảm. Trong khi những người nghèo, người khổ, vẫn đủ bản lĩnh để xả thân vì kẻ khác.

Bà Hệ bật khóc khi được giúp đỡ (Ảnh: VietNamNet)

Và rồi, thay vì tự hào bản thân đã làm được chuyện tốt, bà cứ ám ảnh, trăn trở mãi vì mình không thể giúp được nhiều hơn. Đó vốn dĩ không phải là ‘lỗi’ của bà, nhưng người tốt là thế, họ sẽ không bao giờ nghĩ cho mình, và lúc nào cũng đau đáu 2 chữ ‘giá như’.

Nể phục hơn, cuộc đời bà sau tháng ngày cứu người là những cơn bão cuồng phong đến từ cơm áo gạo tiền, nhưng bà chưa bao giờ than vãn kể khổ, năn nỉ ai đó hãy giúp đỡ, đặc biệt là không bao giờ yêu cầu người khác phải báo ơn.

Nhưng nhân quả cuộc đời là có thật, 20 năm sau, một người tốt như bà mới được đền đáp. Ngày xưa bà không màng sự sống ra tay cứu người chết đuối thì nay bà gặp khó khăn, cũng sẽ có rất nhiều bàn tay tới ủng hộ cho bà.

Theo Vietnamnet

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X