Từ 1/7/2025, nhiều ngân hàng sẽ ngừng giao dịch chuyển khoản và rút tiền đối với trường hợp này

Nhiều ngân hàng đã đồng loạt phát đi thông báo về việc tạm dừng các giao dịch tài chính qua phương tiện điện tử đối với khách hàng tổ chức chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học theo quy định.

Nhiều ngân hàng lớn vừa ra thông báo khẩn, yêu cầu các tổ chức phải hoàn tất việc xác thực sinh trắc học cho người đại diện hợp pháp. Nếu không, từ ngày 1/7/2025, mọi giao dịch tài chính điện tử của doanh nghiệp có thể bị tạm dừng.

KienlongBank là một trong những ngân hàng tiên phong đưa ra cảnh báo này. Cụ thể, từ 1/7/2025, nếu người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp (gọi chung là người đại diện hợp pháp) chưa xác thực sinh trắc học, hoặc giấy tờ tùy thân của họ đã hết hiệu lực, doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện các giao dịch tài chính qua kênh điện tử.

Để tránh gián đoạn, KienlongBank khuyến cáo các doanh nghiệp nhanh chóng liên hệ chi nhánh hoặc phòng giao dịch để hoàn tất thủ tục. Các cá nhân cần xác thực sinh trắc học bao gồm: người đại diện hợp pháp, kế toán trưởng và người được ủy quyền giao dịch. Doanh nghiệp cần chuẩn bị: Giấy đăng ký kinh doanh/chứng nhận đầu tư, quyết định bổ nhiệm/ủy quyền, và Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hiệu lực của người đại diện hợp pháp.

Từ 1/7/2025, nhiều ngân hàng sẽ ngừng giao dịch chuyển khoản và rút tiền đối với trường hợp này- Ảnh 1.

Không chỉ KienlongBank, GPBank cũng đưa ra yêu cầu tương tự. Đối với khách hàng cá nhân, các giao dịch điện tử sẽ bị tạm dừng từ 1/7/2025 nếu chưa cập nhật sinh trắc học. Riêng với khách hàng tổ chức, thời hạn cuối cùng là 1/1/2026.

VietinBank cũng đã gửi thông báo đến khách hàng tổ chức, nhấn mạnh việc đối chiếu thông tin giấy tờ tùy thân và dữ liệu sinh trắc học của người đại diện hợp pháp. VietinBank cũng sẽ tạm dừng các dịch vụ thanh toán và rút tiền qua phương tiện điện tử (như VietinBank eFAST, ERP, H2H/API, hay các kênh kết nối với Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội) từ ngày 1/7/2025 nếu doanh nghiệp chưa hoàn tất xác thực.

Động thái đồng loạt này của các ngân hàng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử, đặc biệt là với nhóm khách hàng tổ chức. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra hồ sơ, giấy tờ liên quan và nhanh chóng hoàn tất việc xác thực sinh trắc học để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có từ tháng 7 tới.

Xem thêm: Người từng chuyển tiền vào các tài khoản Vietcombank, Techcombank, Sacombank, MB, ACB,…dưới đây khẩn trương đến công an trình báo

Vừa qua, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh Thái Bình đã làm rõ và khởi tố nhiều đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng thủ đoạn giả danh nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB quảng cáo hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, đường dây do các đối tượng Nguyễn Văn Long (1995), Hoàng Quốc Đạt (1999), Tạ Đức Duy (1999) cùng trú tại huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội và Nguyễn Đức Chiến (1999) trú tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh cầm đầu đã tổ chức thành nhiều nhóm hoạt động độc lập. Chúng thuê nhà tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm nơi thực hiện hành vi phạm tội.

Thủ đoạn chính của các đối tượng là thuê người đăng quảng cáo trên mạng xã hội về việc Ngân hàng ACB cho vay tiền nhanh chóng, lãi suất ưu đãi. Khi người có nhu cầu liên hệ, chúng sử dụng tài khoản Zalo ảo, giả danh nhân viên ngân hàng để tư vấn và đưa ra nhiều lý do khác nhau như yêu cầu nộp phí bảo hiểm, phí giải ngân, phí chứng minh thu nhập… nhằm lừa nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng không chính chủ được mua trên mạng. Sau khi nhận được tiền, chúng cắt liên lạc. Nhiều người dân sập bẫy, bị chiếm đoạt số tiền lớn, lên đến hàng chục triệu đồng mỗi trường hợp.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 đối tượng liên quan và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đây là lời cảnh báo cho người dân cần nêu cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo vay tiền online, tránh sập bẫy của các đối tượng xấu. Nếu là nạn nhân của các vụ lừa đảo tương tự, chuyển tiền vào các tài khoản theo Danh sách dưới đây, đề nghị liên hệ ngay với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, qua Đại úy Nguyễn Đức Phước – Phó Đội trưởng Đội Điều tra, sđt: 0946.232.868 hoặc Thượng úy Nguyễn Văn Thái – Điều tra viên thụ lý chính, sđt: 0384.234.121.

Danh sách số tài khoản ngân hàng các đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

1.Tài khoản số 19008671, 17104701, 41292967, 41258187, 43110077, 19906521, 19749021, 18899141, 17326451, 44007997, tại Ngân hàng TMCP ACB

2.Tài khoản số 6326103333, 18258888888, 19040060449018, 0859909916, 2001312001 tại Ngân hàng TMCP Techcombank

3.Tài khoản số 1033951612, 1041483360 tại Ngân hàng TMCP Vietcombank

4. Tài khoản số 8668868686 tại Ngân hàng TMCP OCB

5.Tài khoản số 050135123371 tại Ngân hàng TMCP Sacombank

6.Tài khoản số 0859909916, 0981338361 tại Ngân hàng TMCP Quân đội

7. Tài khoản số P39793979 tại Ngân hàng TMCP MBBank

8. Tài khoản số P39793979 tại Ngân hàng TMCP TPBank

9. Tài khoản số 1037041832286 tại Ngân hàng TMCP PGBank

10. Tài khoản số 001298048, 04267283 tại Ngân hàng VIB

Nguồn: https://antt.nguoiduatin.vn/nguoi-tung-chuyen-tien-vao-cac-tai-khoan-vietcombank-techcombank-sacombank-mb-acbduoi-day-khan-truong-den-cong-an-trinh-bao-20525051310433796.htm

Nguồn: https://phunuso.baophunuthudo.vn/tu-1-7-2025-nhieu-ngan-hang-se-ngung-giao-dich-chuyen-khoan-va-rut-tien-doi-voi-truong-hop-nay-193250528171707362.htm

X
/57976558/Ureka_Supply_myeva.vn_InflowMB_1x1_130623