3 ảnh hưởng đến thai nhi khi mẹ bầu cao huyết áp và 4 cách kiểm soát hiệu quả

Tăng huyết áp khi mang thai dễ gây bong nhau thai sớm, sản giật, rối loạn chức năng đông máu.

Một trong những vấn đề bác sĩ khuyên phải chú ý đó là mẹ bầu tăng huyết áp trong thai kỳ. Nhất là những mẹ bầu lớn tuổi thì càng dễ gặp trường hợp cao huyết áp.

Cao huyết áp thường gặp từ tuần thứ 20 thai kỳ và đặc biệt dễ tăng từ tuần thứ 32. Việc mẹ bầu cao huyết áp không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của mẹ mà còn gây nguy hiểm cho thai nhi. Không chỉ khiến mẹ khó sinh mà có thể gây bong nhau non, thai lưu…

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: ZH

Ảnh hưởng thai nhi khi mẹ bầu cao huyết áp

Tăng huyết áp trong thai kỳ có sự ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi:

– Giảm cung cấp chất dinh dưỡng của nhau thai: Huyết áp cao sẽ làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai. Do đó làm giảm nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho em bé, thai nhi sẽ bị kém phát triển.

– Nhau bong non: Là tình trạng bánh nhau bong ra sớm khỏi thành tử cung. Đây là một bệnh lý sản khoa khiến bé bị sinh thiếu tháng, nặng có thể nguy hiểm cả mẹ lẫn con.

– Sinh non: Nếu sức khỏe của thai nhi hoặc sức khỏe của mẹ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về huyết áp, thường sẽ phải đẻ trước ngày dự sinh.

Một trong những biến chứng nặng của tăng huyết áp thai kỳ là tiền sản giật. Các triệu chứng tiềm ẩn của nó bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu dữ dội. Cơ thể sưng phù đột ngột dẫn đến tăng cân nhanh chóng, buồn nôn và nôn, giảm lượng nước tiểu và đau bụng.

Nếu có các triệu chứng trên, mẹ bầu nên đi khám ngay để được kiểm tra kỹ, theo dõi nhịp tim thai và các xét nghiệm khác. Đồng thời có biện pháp điều trị thích hợp ngay để tránh phát triển thành sản giật cuối thai kỳ.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: toutiao

4 cách kiểm soát huyết áp cho mẹ bầu

1. Duy trì thói quen tốt

Mẹ bầu nên duy trì những thói quen lành mạnh để kiểm soát huyết áp như ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Ngoài ra, mẹ bầu có thể tập một số bài tập nhẹ khi mang thai như đi bộ. Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho thai kỳ và cũng có tác dụng tích cực trong việc duy trì huyết áp ổn định.

2. Ăn lành mạnh

Mẹ bầu lưu ý không ăn quá mặn và nhiều dầu mỡ. Nên bổ sung canxi và vitamin khi mang thai. Ưu tiên ăn nhiều rau quả tươi, cá, thịt, trứng và các thực phẩm giàu đạm, nhiều canxi, cao kali, ít natri.

3. Kiểm soát cân nặng

Kiểm soát cân nặng vừa phải là một cách để kiểm soát huyết áp. Những mẹ bầu có số cân nặng lớn thường dễ gặp tình trạng cao huyết áp. Theo quan niệm nhiều người thì bà bầu cần phải ăn gấp 2 lần bình thường. Tuy nhiên thay vì ăn theo số lượng thì hãy ăn theo chất lượng. Nhai kỹ no lâu cũng là lời khuyên dành cho mẹ bầu để kiểm soát cân nặng.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: QQ

4. Tránh căng thẳng

Căng thẳng tâm lý, cảm xúc không ổn định có liên quan đến bệnh cao huyết áp. Nếu mẹ bầu cảm thấy áp lực thì phải tìm cách giảm căng thẳng, chia sẻ nhiều hơn với người thân để tinh thần được thoải mái.

Để kiểm soát huyết áp thai kỳ, mẹ cần thường xuyên theo dõi huyết áp. Nếu bản thân có cảnh báo về tăng huyết áp mẹ nên đo huyết áp thường xuyên hơn. Trường hợp huyết áp tăng cao mẹ cần đi bác sĩ ngay và dùng thuốc theo toa bác sĩ để hạ kịp thời.

Nguồn: https://www.webtretho.com/p/3-anh-huong-den-thai-nhi-khi-me-bau-cao-huyet-ap-va-4-cach-kiem-soat-hieu-qua

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X