Nếu khi bố mẹ trách mắng mà con có 2 phản ứng này thì hãy coi chừng: Con đang có vấn đề tâm lý, không lơ là được đâu!
Nhiều trẻ em vì sao lớn lên thiếu sự tự chủ, thiếu chính kiến nhút nhát, tự ti mặc cảm? Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ sự áp đặt, cấm đoán và bạo hành khi còn nhỏ.
Có một câu chuyện gần đây thu hút sự chú ý: Trong khu vui chơi đông đúc, cảnh tượng bỗng dưng náo loạn khi một cậu bé cào mặt bạn chơi cùng tuổi đến mức chảy cả máu. “Chuyện gì xảy ra? Nói cho chú biết đi!”- Nhân viên phụ trách khu vui chơi sau khi đi tới, chỉ vào cậu bé mập mạp bị thương hỏi.
Tuy nhiên, dù nhân viên có gặng hỏi thế nào thì cậu bé cũng chỉ im lặng, ánh mắt giận dữ nhưng cố kìm nén tiếng khóc. Trong khi cậu bé còn lại hét lên, vẻ oan ức: “Là bạn ấy giẫm lên chân con, cào con, nhìn xem cánh tay của con đi”. Quả thật cũng có những vết xước rõ ràng trên cánh tay.
Ngọn ngành sự việc đã được sáng tỏ, biết con mình có lỗi nên bố mẹ của cậu bé đầu tiên cũng không thể nói gì thêm. Tuy nhiên, dưới sự gợi ý của phụ huynh, cậu bé thứ hai bị đánh lại chủ động nói lời xin lỗi. Nhưng không ngờ, trong khoảnh khắc cậu tiến đến, bất ngờ bị bạn kia đấm vào người. Một cuộc “hỗn chiến” lại tiếp tục xảy ra.
Sau khi kéo con ra, cha mẹ của cậu bé đầu tiên thấy rất xấu hổ, bắt đầu giải thích: “Đứa trẻ này mỗi lần bị đánh đều không cam lòng. Bất kể là lỗi của ai, chỉ cần chịu khổ, nó sẽ trả thù. Nếu ở nhà, bị cha mẹ đánh, nó sẽ tìm thứ gì đó để trút giận”.
Ai nấy đều bàn tán xôn xao, có người nói rằng họ biết đứa trẻ này. Ở nhà, bé rất không nghe lời và thường xuyên bị đánh. Rất nhiều lần họ nghe được tiếng la hét, đánh đập, mắng mỏ của người lớn nhưng tuyệt đối không có tiếng trẻ con khóc lóc, giải thích. Dù ít phản kháng ở nhà, nhưng ra ngoài cậu bé rất hay gây gổ đánh nhau với bạn chơi khác. Ngược lại, có người khen cậu bé thứ hai: “Đứa trẻ này không thích gây chuyện, nhưng gặp sự cố cũng không sợ hãi, rất dũng cảm, có kỹ năng giao tiếp tốt”.
Trẻ chưa bao giờ bị đánh và trẻ thường xuyên bị đánh lớn lên sẽ khác nhau ra sao?
Những trận đòn roi và tiếng la mắng của người lớn không chỉ ảnh hưởng đến thân thể trẻ mà còn có thể khiến chúng tổn thương não và tăng nguy cơ tự tử, đó là cảnh báo của các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, có thể thấy, giữa những đứa trẻ chưa từng bị đánh và những đứa trẻ thường xuyên bị đánh còn có sự khác biệt rất lớn về tính cách.
Một đứa trẻ thường xuyên bị đánh có tâm lý trả thù mạnh mẽ
Nhà tâm lý học người Canada Albert Bandura đã thực hiện một thí nghiệm “chơi BOBO”: Chia một nhóm trẻ thành hai nhóm, một nhóm trẻ nhìn thấy người lớn đánh búp bê, còn nhóm trẻ kia thì không. Sau đó, họ đặt búp bê trong phòng và đưa từng đứa trẻ vào rồi quan sát phản ứng của chúng. Hóa ra những đứa trẻ xem người lớn đánh “BOBO” cũng bắt chước và bắt đầu tấn công những con búp bê.
Có thể thấy, lời nói và việc làm của người lớn sẽ có tác động khó phai đối với trẻ. Trẻ thích bắt chước hành vi của người khác, nếu thường xuyên bị đánh trẻ sẽ học cách tương tự để trả đũa người khác.
Bên cạnh đó, nhiều trẻ em lớn lên thiếu sự tự chủ, thiếu chính kiến nhút nhát, tự ti mặc cảm. Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ sự áp đặt, cấm đoán và bạo hành khi còn nhỏ. Thường xuyên bị đánh, mắng chửi, bị so sánh với người khác, sao có thể lớn lên khỏe mạnh, lạc quan và tự tin?
Trẻ chưa từng bị đánh rất giỏi tìm cách giải quyết vấn đề
Cậu bé thứ hai ở trường hợp trên có hai ưu điểm. Trước hết, biết giải quyết vấn đề thông qua giao tiếp bằng lời nói và có thể phản ánh hành vi của mình trong quá trình giao tiếp. Thứ hai, khi lắng nghe lý lẽ của cha mẹ, cậu học cách trình bày sự thật và phân biệt đúng sai, chủ động xin lỗi dù bản thân là nạn nhân.
Cách cha mẹ giải quyết vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của trẻ. Vì vậy, người lớn không nên đụng chút là dùng bạo lực. Bạn phải biết rằng có một khoảng cách nhận thức giữa con cái và chúng ta, chỉ cần kiên nhẫn giải thích, công việc nuôi dạy con cái về sau sẽ ngày càng dễ dàng hơn. Hơn nữa, trẻ em không phải là ống xả của người lớn, chúng ta không nên đổ lỗi cho con cái về những rắc rối của bản thân trong cuộc sống hay công việc.
Hai phản ứng “cảnh báo” của trẻ khi bị cha mẹ đánh mắng
Là cha mẹ, chúng ta biết rằng đôi khi thật khó để kiềm chế trước một hành động, lời nói, thái độ của trẻ. Tuy nhiên, dù giận đến mấy, khi trách phạt con, nếu trẻ có hai phản ứng này cha mẹ nên dừng lại ngay tức khắc nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
1. Con cái công khai chống đối
Khi cha mẹ đang dạy dỗ con nhưng đứa trẻ “câng” mặt lên thách thức hoặc phản ứng lại gay gắt, đây là lúc các bậc phụ huynh càng phải kìm nén sự tức giận của mình ngay lập tức. Nếu cố gắng “thắng” con cho bằng được, cha mẹ có thể khiến con nghe lời ngay lúc đó nhưng hậu quả thì kéo dài mãi đến sau này.
Khi trẻ phản kháng chứng tỏ trong lòng con có những uất ức, “không phục” khi bị phạt. Nếu chỉ ỷ mạnh hiếp yếu, dùng bạo lực thay lời nói, trẻ sẽ càng nổi loạn và khó dạy bảo.
2. Con cái không phản kháng mà để cha mẹ đánh, mắng
Nếu cha mẹ đang dạy con mà lúc này con đứng đó mặc cho cha mẹ đánh mắng, không khóc lóc, ồn ào, không có phản ứng gì, lúc này cha mẹ phải dừng lại. Vì khi này trẻ sẽ rơi vào tình trạng chối bỏ bản thân, trẻ sẽ nghĩ rằng đó là lỗi của mình nên bị đánh như vậy là đúng. Trong tương lai, chúng sẽ không còn tự tin và cảm thấy rằng tất cả những gì chúng làm luôn là sai lầm.
Nguồn: https://lamchame.vn/neu-khi-bo-me-trach-mang-ma-con-co-2-phan-ung-nay-thi-hay-coi-chung-con-dang-co-van-de-tam-ly-khong-lo-la-duoc-dau-146999.html