Khi con than chán học, đừng trách mắng: Cha mẹ khôn ngoan lập tức nói với con 3 câu này
Nhiều người cả nửa cuộc đời thăng trầm, chịu bao gian khổ, khi nhìn lại khoảng thời gian đã qua mới nhận ra, điều hối tiếc nhất là đã không học hành chăm chỉ.
Là cha mẹ, chắc hẳn không ai muốn một ngày nào đó nghe con mình nói rằng, con không muốn học nữa. Trong trường hợp này, cha mẹ thường hoảng sợ, trách con lười biếng, bày tỏ sự thất vọng và tức giận. Nếu là trẻ mẫu giáo, tin rằng cha mẹ có nhiều cách để “dụ dỗ” con, nhưng trẻ ở tuổi vị thành niên thì khó hơn rất nhiều.
Kết quả là nhiều bậc cha mẹ đã áp dụng chiến lược đe dọa: “Không đi học thì đi bán vé số, phụ hồ… Cha mẹ đi làm cực khổ để con ăn học, con sướng không muốn lại muốn rước cực khổ vào thân”. Mỗi câu nói của cha mẹ là một bài học đúc rút từ mấy chục năm của cuộc đời, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được công lao khổ cực ấy.
Người cha này đã giải quyết “khủng hoảng bỏ học” của con mình bằng sự khôn ngoan và kiên nhẫn của mình.
Một phụ huynh từng chọn cách ứng xử khác: Con trai 14 tuổi chán học, không muốn đến trường, thay vì đánh mắng con, anh lại xin lỗi vì mấy năm nay bận công việc, lơ là việc quan tâm đến chuyện học của con. Sau đó, ông bố này quyết định từ chức và đưa các con đi ngắm nhìn thế giới. Anh tin rằng thay vì ép trẻ, tốt hơn hết là để trẻ suy nghĩ về giá trị của cuộc sống trong suốt cuộc hành trình.
Sau hơn 50 ngày rong ruổi, khi trở về, đứa trẻ đã thực sự thay đổi rõ rệt, ôm tất cả những người thân trong gia đình và quyết định đi học trở lại. Người cha này đã giải quyết “khủng hoảng bỏ học” của con mình bằng sự khôn ngoan và kiên nhẫn của mình.
Tuy nhiên, hành động như ông bố này không chỉ cần có đủ can đảm mà còn vững chắc về tài chính. Là người bình thường, ai nấy còn phải gánh vác gia đình, còn phải trả nợ vay mua nhà, mua xe, thực tế có muốn cũng chưa hẳn làm được như vậy.
Vậy cha mẹ nên làm gì? Hãy nghiêm túc nói với con những điều này:
Thứ nhất, không học tập chăm chỉ và vào được một trường đại học tốt là điều mà hầu hết mọi người sẽ hối tiếc trong suốt phần đời còn lại của họ
Một số cư dân mạng từng bình chọn ra 10 điều hối tiếc hàng đầu trong cuộc sống, trong đó liệt kê những điều phổ biến nhất. Điều đáng ngạc nhiên là “Tôi đã không trân trọng tuổi trẻ của mình để được nhận vào một trường đại học tốt” giành được hơn 8 triệu phiếu bầu đánh bại “chọn nhầm bạn đời”; “vào nhầm ngành”…
Nhiều người cả nửa cuộc đời thăng trầm, chịu bao gian khổ, khi nhìn lại khoảng thời gian đã qua mới nhận ra, điều họ hối tiếc nhất là đã không học hành chăm chỉ để phấn đấu vào được một trường đại học tốt khi còn trẻ.
Người ta thường nói, người bình thường trong đời có ba cơ hội để thay đổi vận mệnh. Một là đầu thai, hai là giáo dục, và ba là hôn nhân. Luân hồi tùy duyên, không phải ai cũng có thể sinh ra trong gia đình hạnh phúc; hôn nhân cũng tùy duyên, chỉ có học hành mới có thể thay đổi vận mệnh bằng chính năng lực của mình.
Thứ hai, học hành chăm chỉ và được nhận vào một trường đại học tốt là lợi thế lớn nhất trong đời
Trong một trường đại học tốt, có một bầu không khí học tập tốt hơn, ở đây, mọi người đều chăm chỉ học tập và theo đuổi thành tích xuất sắc khiến bản thân mình cũng không thể “giậm chân tại chỗ”. Ra trường, cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn.
Điều này không có nghĩa là không có bằng cấp thì không có tương lai, một người tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng làm việc chăm chỉ có thể lập nghiệp và đạt đến thành công nhất định. Nhưng với trình độ học vấn cao, con có thể bớt đi đường vòng, tiết kiệm thời gian. Nó cũng cho con có một nền tảng tốt hơn và tầm nhìn xa hơn. Con có cơ hội làm quen với những bạn bè xuất sắc không kém và có nhiều mối quan hệ chất lượng cao hơn.
Ba, học hành chăm chỉ, cuộc sống có nhiều lựa chọn hơn
Con trai 15 tuổi của nhà văn nổi tiếng Đài Loan, Long Ứng Đài từng hỏi mẹ: “Bill Gates không học cao mà vẫn thành tỷ phú. Vậy tại sao bắt con phải học”. Trước câu hỏi khó của con, nữ nhà văn đã trả lời như sau:
“Mẹ yêu cầu con học tập chăm chỉ không phải chỉ mong muốn con sẽ thành công hơn những người khác, mà vì hy vọng con có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, tìm được công việc ý nghĩa, đúng với ước mơ mà không cần phải bắt buộc làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm.
Nếu con giỏi thì con sẽ có nhiều cơ hội, nắm quyền quyết định điều con muốn. Ngược lại, con không đủ khả năng thì hãy chấp nhận cuộc đời mình bị người khác điều khiển số phận. Con muốn sở hữu thứ mà người khác không chạm tới, thì phải chấp nhận trả giá cho những nỗ lực mà người khác không thể, không có mục tiêu con sẽ không bao giờ có được hạnh phúc”, nhà văn nói.
Trong tác phẩm Dear Andre, nữ nhà văn cũng đã có một câu tương tự, được nhiều người coi như một trích dẫn kinh điển để giáo dục con cái. “Con ơi, mẹ yêu cầu con chăm chỉ học hành không phải vì muốn con so sánh điểm số với người khác mà vì mong tương lai con được quyền lựa chọn, lựa chọn công việc có ý nghĩa với thời gian, thay vì bị ép buộc. Khi công việc của con có ý nghĩa trong trái tim, con có cảm giác hoàn thành. Khi công việc mang lại cho conn thời gian và không lấy đi cuộc sống của con, con có phẩm giá. Cảm giác hoàn thành và phẩm giá mang lại cho con hạnh phúc”.
Con trai lớn Andre của nữ nhà văn sau đó được nhận vào Khoa Kinh tế của Đại học Hồng Kông. Sau khi tốt nghiệp đại học, Andre đến làm việc tại Vương quốc Anh và trở thành giám đốc điều hành của một ngân hàng ở Vương quốc Anh, được tự do tài chính và có nhiều thời gian để lựa chọn.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/khi-con-than-chan-hoc-dung-trach-mang-cha-me-khon-ngoan-lap-tuc-noi-voi-con-3-cau-nay-20221221165609511.htm