Bà mẹ đơn thân dạy con 𝐛ạ𝐢 𝐧ã𝐨 vào ĐH Harvard bằng những phương pháp độc đáo

Từ cách ghi nhớ, đến làm thế nào để giúp con vượt qua thất bại, người mẹ này đã đồng hành và có phương pháp dạy con vô cùng hữu hiệu. Một số phương pháp này bố mẹ đều có thể áp dụng để khắc phục tật xấu phố biến của trẻ hiện nay.

Ngày 18/7/1988, Zou Hongyan (25 tuổi) vào phòng mổ để hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Tuy nhiên một sự cố lúc mới sinh khiến cậu con trai Ding Ding của cô bị bại não. Các bác sĩ ở tỉnh Hồ Bắc đã gợi ý về việc bỏ đứa trẻ. Họ cho rằng cứu đứa trẻ này là vô ích bởi khi lớn lên nó sẽ bị khuyết tật hoặc có vấn đề về trí não.

Trong khi cha của Ding đồng ý và cho rằng con trai sẽ là gánh nặng cho cả gia đình, bà Zou vẫn nhất quyết cứu con và sau đó ly hôn chồng.

Những ngày sau đó bà đã tất bật kiếm tiền nuôi và chăm con. Bà làm toàn thời gian tại một trường cao đẳng ở thành phố Vũ Hán đồng thời làm thêm hai công việc bán thời gian khác.

Bà mẹ đơn thân dạy con bại não vào ĐH Harvard bằng những phương pháp độc đáo - Ảnh 1.

Bất chấp những trở ngại về mặt thể chất của con, bà Zou (phải) nhất quyết nuôi con thành người. Ảnh: SCMP.

Dạy một đứa trẻ nên người đã khó, việc chăm sóc Ding Ding lại càng khó gấp nghìn lần. Dẫu vậy, năm 2011, anh tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh ngành khoa học môi trường. Cùng năm này, anh theo học văn bằng 2 ngành luật quốc tế. Năm 2016, sau khi làm việc hai năm, Ding được nhận vào học tại Trường Luật Harvard thuộc ĐH Harvard. Vậy làm thế nào để bà mẹ này có thể nuôi dạy một cậu bé bại não vào được Harvard?

Tập ghi nhớ bằng việc xem dự báo thời tiết và bản tin

Bị bại não, Ding sẽ không thể có ghi nhớ nhanh và lâu như những em bé thông thường. Để rèn luyện trí nhớ cho con, bà Zou cố tình rời đi và để con xem những bản tin dự báo thời tiết một mình. “Ding, mẹ đang rửa bát. Con giúp mẹ xem dự báo thời tiết ở Vũ Hán để mẹ biết ngày mai nên mặc gì?”, bà nhớ lại.

Lúc đầu Ding chỉ có thể nhớ được nhiệt độ cao nhất. Theo thời gian rèn luyện, anh dần nhớ được các dữ liệu thời tiết khác. Không lâu sau, bà yêu cầu con trai xem bản tin đã phát sóng sau đó kể lại cho mẹ nghe với lý do bà cần chấm bài. Ngày đầu áp dụng, Ding chỉ có thể kể lại được một tin. Một tuần sau, anh đã kể 2 mẩu tin. Sau vài tháng, Ding kể lại cả bản tin. Đôi khi khách đến nhà, anh có thể trò chuyện với người lớn về những câu chuyện chính trị. Với thói quen này, bà Zou không ngờ đã truyền cho con niềm đam mê về lịch sử và chính trí. Sở thích đó đã theo anh đến tận sau này.

Bà mẹ đơn thân dạy con bại não vào ĐH Harvard bằng những phương pháp độc đáo - Ảnh 2.

Bà Zou thường xuyên cùng con trai chơi các trò nâng cao trí tuệ. Ảnh: SCMP.

Ăn đúng bữa chỉ với chiếc đồng hồ

Giống như nhiều đứa trẻ khác, khi còn nhỏ Ding thích bánh kẹo hơn là ăn cơm. Đến giờ ăn, bà Zou thường phải mất nhiều thời gian để dỗ dành. Thấy tình hình này bà đã nghĩ ra một cách.

Vào một buổi trưa, đến 12h nhưng Ding vẫn không muốn ăn. Bà Zou đã chỉ lên chiếc đồng hồ treo tường và nói: “Ding nhìn xem, nếu bây giờ con không ăn thì phải đến 18h con mới được ăn”. Không nghe lời mẹ, cậu quyết không ăn và đẩy bát đũa ra xa.

Vì không ăn trưa, đến khoảng 4h chiều, Ding đã đói cồn cào và xin bà nội đồ ăn. Khi đó bà nội đang lấy đồ ăn cho cháu thì Zou giật lấy và nói với con trai “Đã thoả thuận rồi, bữa tối sẽ được dọn vào lúc 6h. Bây giờ con không được ăn”. Dẫu con đói đến phát khóc, song bà Zou nhất định không đưa con đồ ăn. Cuối cùng, đến 6h tối, Ding phấn khích đến mức bà Zou mang cơm ra và cậu bé bắt đầu ăn mà không cần mẹ phải hỗ trợ.

Làm việc nhà như một cách giải tỏa căng thẳng

Mặc dù Ding cử động không thuận lợi và tay yếu nhưng Zou vẫn nhất quyết để con trai làm những công việc nhà trong khả năng như gấp chăn, rửa bát. Trong thời gian ôn thi căng thẳng vào năm thứ ba trung học, một đồng nghiệp đã với Zou: “Bây giờ Ding đang lo lắng về việc học, sao bạn vẫn để con làm việc nhà”.

Dẫu vậy bà cho rằng ngoài là trách nhiệm, làm việc nhà còn là một cách để giải tỏa mệt mỏi. Bà khẳng định, để Ding rửa bát cũng là cách nhằm giúp con trai bại não không bị bỏ lại phía sau từ những việc làm nhỏ nhất.

Dạy con giải quyết thất bại

Vào năm đầu tiên của quãng thời gian trung học cơ sở, Ding phải theo một khoá học quân sự. Bà ngoại không đồng ý bởi “bước đi còn không vững, huống chi là huấn luyện quân sự”. Dẫu vậy Zou vẫn nhất quyết để con trai tham gia kỳ học này.

Trong một buổi huấn luyện quân sự, thầy giáo hô “Rẽ trái” nhưng Ding không thể thực hiện và ngay lập tức bị ngã xuống đất. Khi đó các bạn trong lớp mới biết cậu bị bại não. Không giúp đỡ, một số bạn học còn chế giễu Ding chỉ là một củ khoai tây. Lúc này, anh đã gọi điện cho mẹ và kêu muốn nghỉ học.

Đau lòng, bà Zou đã bắt chuyến tàu đến gặp con để tìm hiểu sự việc. Sau khi nghe con trai kể, vào 10 phút giữa các tiết học, Zou đã bước lên bục giảng và kể cho các bạn của Ding về tiền sử bệnh bại não của con trai. “Ai cũng mong mình khỏe mạnh nhưng ông trời không ưu ái với Ding. Tôi mong các bạn hãy giúp cậu ấy nhiều hơn. Cảm ơn các bạn”, bà Zou nói trước khi rời đi.

Nghe đến đây, cả lớp không một tiếng động. Zou bước ra ngoài và nói với con trai: “Làm thế nào để chứng minh rằng con không phải củ khoai tây mới là điều quan trọng? Bỏ học có thể làm được điều này hay không? Con chỉ có thể chứng minh bằng thành tích học tập của mình”.

Trong kỳ thi giữa kỳ năm đó, Ding đứng đầu lớp, Trong 4 năm học cấp 2, anh luôn giữ vững vị trí top 10 của khối.

Nguồn: https://lamchame.vn/ba-me-don-than-day-con-bai-nao-vao-dh-harvard-bang-nhung-phuong-phap-doc-dao-146996.html

X
/57976558/Ureka_Supply_myeva.vn_InflowMB_1x1_130623