Bé trai có dây rốn quấn cổ 4 vòng chào đời an toàn

Bác sĩ Thư cho hay, sản phụ Nga mang bầu con đầu lòng và ở tuần 32 phát hiện thai nhi bị dây rốn quấn cổ 4 vòng.

Mới đây bác sĩ Nguyễn Văn Thư – Bác sĩ khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – người trực tiếp thực hiện ca mổ cho sản phụ Trần Thị Thi Nga, SN 1999 vừa chuyển dạ sinh con có dây rốn quấn cổ 4 vòng thành công.

Bác sĩ Thư cho hay, sản phụ Nga mang bầu con đầu lòng. Suốt quá trình mang thai, mẹ bầu này đã được bác sĩ Thư thăm khám định kỳ. Chính bác sĩ Thư là người đã phát hiện thai nhi của chị Nga bị dây rốn quấn cổ 4 vòng từ tuần thứ 32. Sau đó, chị Nga đã được theo dõi thai kỳ khá chặt chẽ, cẩn thận.

Bé trai có dây rốn quấn cổ 4 vòng chào đời an toàn - 1

Bác sĩ Nguyễn Văn Thư và ê kíp thực hiện mổ bắt con cho sản phụ Nga. (Ảnh: BSCC)

“Mẹ bầu này cao 1,50m, khung chậu hẹp, tiên lượng không đẻ thường được nên mổ chủ động lấy thai khi 39 tuần. Cuộc vượt cạn mổ đẻ diễn ra suôn sẻ, bé trai 2,7kg bị dây rau quấn cổ 4 vòng được lấy ra ngoài. Sau khi lấy bé ra, bé khóc tốt và 2 mẹ con hoàn toàn khỏe mạnh”, bác sĩ Thư kể lại.

Theo nam bác sĩ sản khoa này, tình trạng thai nhi bị dây rốn quán cổ 1-2 vòng rất thường gặp và không ảnh hưởng nhiều tới mẹ bầu và thai nhi. Nhưng thai nhi bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng như trường hợp sản phụ Nga nói trên ít gặp hơn và có thể ảnh hưởng tới việc nuôi dưỡng thai, cản trở quá trình chuyển dạ ở người mẹ.

Bé trai có dây rốn quấn cổ 4 vòng chào đời an toàn - 3

Bé trai với dây rốn quấn cổ 4 vòng đã chào đời an toàn. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Thư cũng cho biết thêm, dây rốn quấn quanh cổ nếu siết quá chặt sẽ cản trở dòng máu lưu thông, gây ra tình trạng suy thai. Nhưng những ca suy thai do dây rốn quấn cổ đều có thể phát hiện từ sớm, xử lý kịp thời nhờ đặt máy theo dõi thai kỳ.

Đặc biệt dây rốn quấn cổ thai nhi không phải là lúc nào cũng phải mổ lấy thai mà phụ thuộc nhiều vào diễn tiến của cuộc chuyển dạ. Bởi thế, nếu trong quá trình mang thai phát hiện dây rốn quấn cổ thai nhi, mẹ bầu không nên cuống lên quá lo lắng hoặc vội vàng yêu cầu mổ vì mỗi vết mổ là một nguy cơ. Chỉ trong trường hợp vì nguyên nhân nào đó, bác sĩ mới chỉ định can thiệp bằng thuốc, thủ thuật hoặc phẫu thuật mổ lấy thai.

Bé trai có dây rốn quấn cổ 4 vòng chào đời an toàn - 4

Khi phát hiện dây rốn quấn cổ thai nhi, mẹ bầu cứ bình tĩnh theo dõi thai kỳ chặt chẽ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. (Ảnh: BSCC)

“Khi phát hiện dây rau quấn cổ, mẹ bầu cứ theo dõi thai bình thường dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sản, thăm khám định kì nhất là ở 3 tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ là người đưa ra phương án chấm dứt thai kì ở thời điểm phù hợp và có lợi nhất cho thai nhi, nếu có bất thường cũng sẽ được theo dõi, xử trí kịp thời nên các mẹ bầu cứ yên tâm”, bác sĩ Thư khuyến cáo.

Nguyên nhân khiến thai nhi bị dây rốn quấn cổ

Trong những tháng đầu thai kỳ, thai nhi như một cục nước đá nằm trong một bể nước lớn nên rất dễ dàng di chuyển trong buồng tử cung. Trong quá trình di chuyển đó, khi dây rốn còn dài, thai nhi đã làm rối dây rốn như cuộn chỉ rối và dây rốn quấn vào thân hay cổ thai nhi. Cũng có trường hợp khi còn bé, thai di chuyển nhiều trong buồng tử cung làm cho dây rốn bị thắt nút lại. Dây rốn bị thắt nút kèm theo quấn cổ sẽ rất nguy hiểm.

Hoặc ở 3 tháng cuối, khi thai nhi quay đầu xuống dưới (gọi là thai thuận), dây rốn mềm trơn cũng dễ quấn vào thai nhi. Dây rốn quấn vào thân thai nhi thì có thể tự tháo được, nhưng khi quấn vào cổ là một khe hẹp giữa đầu và vai thì dây rau không thể tự tháo được mà ngày càng chặt hơn.

Mẹ vận động, lao động quá sức là nguyên nhân chính của hiện tượng dây rốn quấn cổ. Điều này đã được khoa học chứng minh, khi mẹ làm việc quá sức, thai nhi sẽ có xu hướng quay đầu xuống nhiều hơn khiến dây rốn rất dễ cuộn quanh người và quấn vào cổ con. Bởi vậy, mẹ bầu hãy chú ý trong thai kỳ chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh quá sức. Khi mệt mỏi hãy dành thời gian nghỉ ngơi và nhờ mọi người trong gia đình giúp đỡ những việc lặt vặt.

Theo các bác sĩ, mẹ bầu bị dư ối hoặc đa ối sẽ tăng khả năng thai nhi bị dây rốn quấn cổ, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ. Một nguyên nhân gây ra hiện tượng dây rốn quấn cổ khác đó là độ dài dây rốn. Mặc dù dây rốn dài trung bình 56cm nhưng vẫn có những bé có dây rốn dài hơn. Khi dây rốn càng dài, thai nhi càng có nguy cơ bị quấn cổ.

Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/be-trai-co-day-ron-quan-co-4-vong-chao-doi-an-toan-c59a39774.html

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X