Cách lạy trong thờ cúng chuẩn mực mà ai cũng nên biết để không phạm bất kính
Chắp tay đứng trước ban thờ hay đi lễ, đi chùa, đi đám tang… người ta đều cần thực hiện hành động vái lạy để thể hiện lòng tôn kính.
Nhưng liệu có phải ai cũng biết cách lạy trong thờ cúng đúng theo quy tắc hay không?
1. Tập tục lạy trong văn hóa thờ cúng của người Việt
Cách lạy trong thờ cúng của người Việt như thế nào mới đúng?
Lạy vốn là hành động để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn chân thành với tất cả tâm hôn và thể xác đối với các đấng thần linh, các bậc tiên hiền có công khai phá giang sơ, bảo vệ sơn hà xã tắc, tổ tiên dòng họ và cả người quá cố.
Tập tục quỳ lạy bắt nguồn từ đâu, từ khi nào, chẳng ai có thể trả lời rõ ràng. Chỉ biết rằng sau theo trước, không có lễ giáo chính thống, cũng không có mấy sách vở đề cập đến, mà chủ yếu chỉ là truyền miệng, đời sau học tập theo đời trước.
Cứ thế lâu dần đa số người ta chỉ làm cho có lệ, ít người còn hiểu được chính xác ý nghĩa và cách quỳ lạy trong thờ cúng như thế nào mới đúng.
Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa Trung Hoa, nên việc lễ lạy từ hình thức đến nội dung, từ lễ tổ tiên ông bà đến lễ lạy trời đất, Thần Phật, Thánh ở đình, chùa, lăng, miếu cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Điểm khác biệt ở chỗ, trong văn hóa thờ cúng của người việt, số lần và cách lạy trong thờ cúng tùy từng trường hợp lại mang ý nghĩa khác nhau. Đây là phong tục tập quán riêng của Việt Nam ta mà Trung Quốc không hề có.
2. Phân biệt lạy và vái
Lạy và vái thường đi liền với nhau, đôi khi có thể thay thế cho nhau nhưng thực chất mỗi hành động lại có ý nghĩa riêng biệt.
– Tập tục lạy:
Quỳ lạy là hành động nhằm tỏ lòng tôn kính với người trên hoặc người quá cố vào bậc trên của mình.
Có hai thế lạy là: thế lạy của đàn ông và thế lạy của phụ nữ.
+ Đối với đàn ông:
Thế lạy của đàn ông là ở t.ư th.ế đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp 2 tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán.
Sau đó, cúi mình xuống, đưa 2 bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe 2 bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quỳ gối bên trái rồi sang gối bên phải xuống đất, đầu cúi rạp xuống gần 2 bàn tay theo thế phủ – phục sát đất.
Tiếp theo, dần đứng người dậy bằng cách đưa 2 bàn tay chắp lại để trên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước, ngang với đầu gối chân phải đang quỳ để lấy đà đứng lên.
Chân phải đang quỳ cũng theo đà đứng lên cùng chân trái, hai chân đứng ở thế nghiêm như ban đầu. Tiếp tục tiến hành lạy như vậy cho tới khi đủ số lạy.
Lưu ý: Khi quỳ, có thể quỳ bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo chân thuận mà tiến hành. Nhưng cần nhớ là khi quỳ chân nào xuống trước thì lúc chuẩn bị đứng dậy phải đưa chân đó về trước nửa bước và tì 2 bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên.
Thế lạy theo kiểu này rất khoa học và vững vàng. Sở dĩ phải quỳ chân trái xuống trước thì vường chân phải vững hơn nên được dùng để giữ thế thăng bằng cho khỏi ngã.
Khi chuẩn bị đứng lên cũng vậy, co chân trái là để chân phải có thể làm điểm tựa để tư thế lạy được vững hơn.
+ Đối với phụ nữ:
Thế lạy của phụ nữ có một chút khác biệt với thế lạy của đàn ông ở chỗ, cách ngồi trệt xuống đất để 2 cẳng chân vắt chéo về bên trái, bàn chân phải ngửa lên để ở dưới đùi chân trái.
Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn trước mặt và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt.
Sau đó, chắp 2 bàn tay lại để trước ngực rồi đưa cao dần lên ngang tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm đất thì tách hai bàn tay đang chắp đó đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên 2 bàn tay.
Giữ ở tư thế đó một hai giây rồi dùng 2 bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng dậy, đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như ban đầu.
Cứ thế làm tiếp cho đến khi lạy đủ số lần lạy. Lạy xong thì đứng lên vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất xong thế lạy.
Bên cạnh đó, cũng có một số nơi phụ nữ áp dụng thế lạy theo cách quỳ hai đầu gối xuống chiếc, để mông lên 2 gót chân, 2 tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ 2 tay ở thế chắp đó mà cúi người xuống.
Khi đầu gần chạm mặt đất hay mặt chiếu thì xòe 2 bàn tay ra úp xuống chiếu, để đầu lên 2 bàn tay. Cứ tiếp tục lạy cho đến khi đủ số lạy. Nhưng thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối, đồng thời không đẹp mắt bằng thế lạy bên trên.
Như vậy, thế lạy của đàn ông có vẻ hùng dũng, mạnh mẽ, tượng trưng cho dương. Thế lạy của các bà, các cô có sự uyển chuyển, thướt tha, tượng trưng cho âm.
Tuy nhiên, thế lạy của đàn ông gây bất tiện nếu mặc âu phục cho nên hiện nay chỉ có những người cao tuổi vẫn áp dụng thế lạy trên của đàn ông, nhất là trong các dịp lễ Tổ.
Còn phần đông người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi, song nếu có lòng thành, tập dượt nhiều rồi cũng thành.
– Tập tục vái:
Khác với lạy, vái thường được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong các dịp lễ ở ngoài trời. Trong trường hợp này, vái thay cho lạy.
Vái là hành động chắp 2 bàn tay để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống sau đó ngẩng lên, đưa 2 bàn tay lên xuống theo nhịp lúc cúi đầu khi ngẩng đầu lên.
Tập tục vái được thực hiện sau khi người ta đã khấn trong các dịp lễ Tết hay đi lễ chùa. Sau khi bày hoa quả, đồ lễ và thắp nhang, người làm lễ sẽ bắt đầu đọc những lời khấn rầm rầm trong miệng liên quan đến các chi tiết về ngày tháng năm, nơi chốn, mục đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình và cuối cùng là những lời cầu xin và hứa hẹn.
Tùy theo từng trường hợp, người Việt Nam ta thường vái 2, 3 hay 4, 5 vái.
3. Cách lạy trong thờ cúng sao cho chuẩn?
Tùy vào mục đích, đối tượng được hướng tới, dân tộc ta lại có những cách lạy trong thờ cúng khác nhau như sau:
– Lạy Phật:
Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy này tượng trưng cho Phật – Pháp – Tăng. Đọc ngay: Ý nghĩa vái 3 lạy trong đời sống tâm linh người Việt
+ Phật ở đây là giác, tức giác ngộ, sáng suốt, thông hiểu mọi lý lẽ.
+ Pháp là chính, tức điều chính đáng, đứng đắn, trái với tà ngụy.
+ Tăng là tịnh, tức trong sạch, thanh tịnh, không nhơ bẩn.
Cách lạy trong thờ cúng này là nguyên tắc chung phải theo. Tuy nhiên, tùy từng ngôi chùa mà người ta có thể có quy định và kiểu cách lạy khác nhau.
Nhưng phần chung hoặc nếu ta chưa rõ phong tục tập quán ở địa điểm đó thì cứ nên áp dụng theo luật chung tức lạy 3 lạy.
– Lạy cha mẹ, lạy trong đám tang, lạy vai dưới của người quá cố:
2 lạy được áp dụng trong trường hợp lạy người sống như khi cô dâu chú rể lạy cha mẹ.
Khi đi phúng điếu (lúc người chết chưa hạ huyệt), ta lạy 2 lạy với người vai dưới như em, con, cháu và những người vào hàng con em… của người quá cố.
Sau khi đã lạy, người ta cũng tiến hành vái 3 vái. Ý nghĩa của 3 vái này là lời chào kính cẩn, chứ không mang ý nghĩa nào khác.
Nhưng trong trường hợp người quá cố vẫn được để quan tài tại nhà quàn, người đến phúng điếu, nếu là người vai trên của người quá cố như các bậc cao niên hay vào hàng cha chú, anh chị, chú bác, cô dì… thì chỉ đứng để vái 2 vái mà thôi.
Khi quan tài đã được hạ huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.
Theo nguyên lý âm dương, khi chưa chôn, người quá cố vẫn được coi là còn sống nên ta chỉ lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng trưng cho âm tương nhị khí hòa hợp trên dương thế, tức là sự sống. Còn sau khi người quá cố được chôn rồi thì phải lạy 4 lạy.
– Lạy người quá cố, lạy Thần Thánh, lạy khi đi thăm mộ:
Người ta dùng 4 lạy để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ và các Thánh Thần trong chùa miếu.
4 lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, tứ phương (Đông thuộc dương, Tây thuộc âm, Nam thuộc dương và Bắc thuộc âm), tứ tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm).
Nói chung, 4 lạy này bao gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó làm chỗ trú ngụ. Đọc thêm: Tạ mộ cuối năm vào ngày nào? Làm lễ như nào cho đúng?
Nếu không thể áp dụng thế lạy, người ta thay thế 4 lạy bằng 4 vái để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ và Thánh Thần.
– Lạy tổ tiên, lạy những bậc tiên hiền có công:
Ngày xưa, người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy này tượng trưng cho ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ. Trong đó, vua tượng trưng cho trung cung tức hành Thổ (màu vàng) ở giữa.
Cũng có ý kiến cho rằng, 5 lạy tượng trưng cho tứ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc) và ở giữa (trung ương, trọng tâm) tức nơi nhà nha ngự.
Ngày nay, trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương, những người trong ban tế lễ thường lạy 5 lạy để tỏ lòng biết ơn, tôn kính tới vua Tổ Hùng Vương đã có công khai sáng giống nòi Việt Nam.
Ngoài ra, 5 vái cũng được dùng để cúng Tổ khi không thể áp dụng thế lạy như trong trường hợp quá đông người và không có đủ thời gian để mỗi người lạy đủ 5 lạy.
Phong tục sinh ra là do thói quen từ lâu đời và đã được mọi người chấp nhận noi theo từ đời này qua đời khác, nhiều khi không giải thích rõ được lý do tại sao lại làm thế mà con cháu đời sau chỉ biết làm theo cho đúng.
Trong đó, tập tục thờ cúng là cách người Việt Nam ta biểu thị lòng nhớ ơn tổ tiên cũng như lòng thương và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt mà chúng ta cần phải duy trì.
Và điều quan trọng là cần nắm được cách lạy trong thờ cúng sao cho chuẩn xác để không phạm phải bất kính với các bậc bề trên.