Có những bé cả tuần không đi ị, mẹ đã biết về giai đoạn giãn ruột ở trẻ sơ sinh?
Theo các bác sĩ đây là một hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh, nó được gọi là giai đoạn giãn ruột.
Thông thường, trong những tuần đầu tiên sau khi chào đời, trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài rất nhiều lần trong ngày, trung bình là từ 4 đến 5 lần/ ngày. Tuy nhiên, khi trẻ được hơn 8 tuần tuổi thì bỗng dưng bé không đi ngoài thường xuyên mỗi ngày nữa, thậm chí đã 4 – 5 ngày rồi vẫn con chưa đi tiêu, khiến rất nhiều mẹ lo lắng không biết con mình có bị táo bón hay không?
Tuy nhiên, theo các bác sĩ đây là một hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh, nó được gọi là giai đoạn giãn ruột.
Giai đoạn giãn ruột là gì?
Theo các bác sĩ việc không đi vệ sinh vài ngày ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng bình thường vì các bé đang bước vào giai đoạn giãn ruột. (Ảnh minh họa)
Theo các bác sĩ khoa tiêu hóa của Bệnh viện nhi St. Louis trực thuộc trường đại học Y Washington (Mỹ) cho biết, việc trẻ từ 2 tháng tuổi trở nên tự dưng ít đi ngoài hơn là vì trẻ bước vào giai đoạn giãn ruột. Nói nôm na, đây là giai đoạn thể tích ruột của trẻ tăng lên và trẻ sẽ không đi ị khi bụng chưa đầy phân. Điều này hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe của các bé, nên các cha mẹ cứ yên tâm.
Diễn giải theo cách khác thì trong vài tuần đầu sau khi sinh, ruột của em bé to dần và ngày càng làm việc tốt hơn trong việc chiết xuất dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Và khi ruột của trẻ trở nên tốt hơn trong việc tiêu hóa thức ăn, thì thời gian giữa các lần đi tiêu sẽ ngày càng dài hơn.
Ngoài ra, bà Heidi Murkoff, tác giả nổi tiếng người Mỹ của loạt sách luôn đứng trong danh sách bán chạy nhất “What to Expect When You’re Expecting” (Tạm dịch: Tâm sự bà bầu), hướng dẫn về những kiến thức dành cho phụ nữ trong khi mang thai và chăm sóc con, cho biết: “Một tuần bé đi ị một lần không phải là lý do đáng báo động, miễn là em bé của bạn đi tiểu thường xuyên, tiếp tục tăng cân, và vẫn vui vẻ với những hoạt động hàng ngày. Vì vậy, nếu đã vài ngày rồi mà mẹ vẫn chưa thấy con đi ngoài thì cũng đừng cho rằng con bị táo bón. Trên thực tế, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hiếm khi bị táo bón, bởi vì sữa mẹ là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên tốt nhất cho các bé”.
Lý giải cho hiện tượng giãn ruột này, bà Heidi chia sẻ: “Sữa mẹ là công thức hoàn hảo nhất của chất béo, protein và các vi chất dinh dưỡng dành cho em bé sơ sinh. Một khi bé hiểu được hoạt động bên trong của bụng mình, bé sẽ muốn hấp thụ tất cả mọi thứ có trong sữa mẹ, mà không để lại bất kỳ chất thải nào. Đó cũng là lý do giải thích vì sao em bé 2 tháng tuổi ít đi ngoài”.
Làm thế nào để phân biệt hiện tượng giãn ruột với táo bón?
Theo các chuyên gia, em bé sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn hiếm khi nào bị táo bón, nên mẹ không phải lo lắng về chuyện đó. Còn với các bé được nuôi bằng sữa công thức sẽ có phân cứng hơn, nhưng cha mẹ cũng không nên cho bé uống thuốc nhuận tràng, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Có thể là mẹ thấy bé phải gồng mình lên mỗi khi đi ngoài, nhưng nguyên nhân của nó không phải là vì bé bị táo bón, mà chỉ là do cơ bụng của bé chưa phát triển hoàn thiện nên bé căng thẳng trong khi ị. Đây cũng là bài tập giúp trẻ xây dựng cơ bụng của mình.
Nếu cha mẹ thấy con đi ngoài ra máu, phân cứng, khóc dai dẳng thì cha mẹ nên đưa con đi khám (Ảnh minh họa).
Và táo bón chỉ xuất hiện khi bé bắt đầu ăn dặm. Nếu cha mẹ thấy con đi ngoài ra máu, phân cứng, khóc dai dẳng thì cha mẹ nên đưa con đi khám.
Ngoài ra, việc em bé không đi ngoài thường xuyên có thể có liên quan đến một số căn bệnh như tắc ruột, xoắn ruột, và viêm ruột hoại tử. Bên cạnh đó, còn có một số rối loạn di truyền hiếm gặp, như xơ nang và bệnh hirschsprung, cũng có thể xuất hiện ở những trẻ sơ sinh có một thời gian dài không đi đại tiện, nhưng thông thường những trẻ này cũng không thường xuyên ị trong những ngày đầu sau sinh.
Tuy nhiên, cho dù vì lý do gì mà bé “lười” đi ị thì cha mẹ vẫn tuyệt đối không cho con uống nước. Vì uống nước có thể dẫn đến việc trẻ sơ sinh bị rối loạn điện giải nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Bởi trong sữa mẹ và sữa công thức đã chứa đúng lượng natri, clorua, kali và các chất điện giải khác. Khi cha mẹ cho con uống nước, nghĩa là bạn đã pha loãng những chất điện giải này. Và điều này gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Nguồn: https://afamily.vn/co-nhung-be-ca-tuan-khong-di-i-me-da-biet-ve-giai-doan-gian-ruot-o-tre-so-sinh-20191221111704277.chn