Hôm về đón con ở bệnh viện, anh nhớ mặc quân phục rồi chào các bác sĩ để mọi người biết em có chồng

Đi đẻ bị bác sĩ hỏi “Em có chồng không”, vợ ngậm ngùi “Hôm về đón con anh nhớ mặc quân phục để người ta biết…“

Tâm sự của chị Bùi Thị Thương, ở Quảng Ninh về cuộc sống khi lấy chồng là lính đảo đang được chia sẻ rộng trên mạng xã hội. Những dòng cảm xúc của chị nhận được nhiều sự đồng cảm từ mọi người, đặc biệt là những người vợ cùng hoàn cảnh.

Chồng mình là bộ đội, từ lúc lấy nhau tới giờ là 8 năm, nhưng có lẽ ở gần nhau gộp lại chưa được 12 tháng. Chồng hết đi học thì công tác xa vào Khánh Hòa, rồi lại vài năm ngoài Trường Sa, đi biền biệt. Được cái thương yêu vợ con hết mực, cứ về nhà là lại nai lưng ra dọn dẹp, chăm sóc vợ con, sửa sang vườn tược…

Năm ngoái mình được ra Trường Sa thăm chồng, lênh đênh trên biển cả tuần trời mới tới… Có chị đem trứng vịt lộn ra cho chồng, đến nơi nở thành cả đàn vịt con hết.

Lên đảo thấy các anh khổ quá, đảo nhỏ, thiếu rau xanh, nước ngọt… thiếu nhiều thứ quá. Ngày chia tay lên tàu để về, trời kéo mưa giông, vợ lên xuồng ra tàu, chồng đứng trên đảo khóc tu tu.

Chị Thương lấy chồng 8 năm nhưng tính tổng thời gian bên chồng chưa đầy 12 tháng. Ảnh: B.T.

Chị Thương lấy chồng 8 năm nhưng tính tổng thời gian bên chồng chưa đầy 12 tháng. Ảnh: B.T.

Năm nay chồng được về đất liền đi học, nên nhà mình đẻ đứa thứ hai. Nhưng anh cũng đi học xa nên những ngày mang bầu, mình vẫn thường vác bụng đi khám một mình. Sau vài lần khám thân quen, bác sĩ hỏi sao đẻ thưa thế? Hay là chị kiếm thêm, hay là chị đi bước nữa? Sao lần nào cũng chỉ có mình chị?

Rồi ngày sinh con, chỉ có cậu em rể chở lên bệnh viện. Chú ấy đi sau xách đồ, mình vừa ôm bụng đau đớn, vừa lết đi hết phòng nọ phòng kia xét nghiệm, mọi người nhìn mình với ánh mắt kỳ lạ.

Đến phần khai vào hồ sơ bệnh án, bác sĩ hỏi chồng đâu, chồng làm gì? Mình nói chồng em là bộ đội, đang đi học ở xa không về kịp… Bác sĩ cúi xuống thì thầm một cách thân tình: “Nói thật chị nghe nào, em có chồng không?”.

Mình bảo với chồng, hôm nào anh về đón con ở bệnh viện, anh nhớ mặc quân phục rồi lên chào các bác sĩ ở khoa sản nhé, để mọi người biết em có chồng, không phải chửa hoang…

Thỉnh thoảng nhìn sang hàng xóm, lại thèm được như người ta, gia đình đầy đủ, sáng con đi học, bố mẹ đi làm, tối về sum vầy ấm áp.

Hay như ngày còn đem theo con đầu vào chỗ ở một công ty than trong rừng, con ngã đau, trời mưa bão bập bùng, phải bọc con trong áo mưa, phi xe máy hơn 50 km đường rừng ra bệnh viện. Mưa rát mặt nên cứ đi vài cây số có nhà lại vào trú, mở bọc ra con bốc hơi nghi ngút…

Hay như bây giờ, sinh đứa thứ hai được gần 2 tháng, chồng xa, bố mẹ hai bên đều bận việc, từ lúc ở viện về mình tự chăm nuôi hai đứa luôn. Những đêm con khóc quấy phải bế rong thâu đêm, lại thèm có chồng ở bên… Nhất là khi Tết sắp về…

Mỗi lần về thăm gia đình, anh Thiện chăm chỉ giúp vợ trông con, dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: B.T.

Mỗi lần về thăm gia đình, anh Thiện chăm chỉ giúp vợ trông con, dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: B.T.

Chia sẻ với VnExpress, chị Bùi Thị Thương, sinh năm 1984, hiện ở Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, chồng chị là Đại úy Phan Đức Thiện, sinh năm 1982, quê ở Giao Thủy, Nam Định, công tác ở vùng 4 Hải quân, hiện được điều đi học ở Sơn Tây, Hà Nội. Anh chị kết hôn năm 2010, và có hai cô con gái, một 7 tuổi, và một bé mới hơn 2 tháng tuổi.

Chị kể trong suốt 8 năm lấy chồng, chị mới chỉ được ăn Tết với chồng 3 năm, tính cả lần chị vào đơn vị cùng anh. Chồng bận nhiệm vụ, ít khi được về đón Tết cùng gia đình, nên chị và con gái thay anh về quê nội đón Tết cùng ông bà.

Chị Thương tâm sự thiếu vắng chồng, những việc trong nhà cần bàn tay đàn ông chị đều tự mình làm hết, như hỏng đồ, hỏng xe, nối dây điện quạt… Cái nào khó mới nhờ hàng xóm hay gọi thợ, lúc đầu bỡ ngỡ nhưng lâu dần thành quen.

“Kỷ niệm đẹp giữa hai vợ chồng tôi thì ít, chỉ là mỗi lần chồng đi xa về đều vui như Tết. Tôi may mắn lấy được người chồng tốt, đi xa suốt nhưng rất tâm lý. Ngày nào anh cũng gọi điện về, hỏi han động viên nên có cảm giác anh không xa lắm”, chị Thương nói.

Giờ nguyện ước của chị là mong con lớn nhanh để chị còn làm việc phụ thêm với anh, bởi chỉ có lương anh nuôi cả nhà nên kinh tế eo hẹp. “Dù còn nhiều khó khăn, tôi vẫn luôn tự hào về chồng mình, một người lính”, chị nói.

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X