Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhanh chóng. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần được trang bị kiến thức để phát hiện, chăm sóc và biết khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ là rất cần thiết.

Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 3 lần trong 24 giờ. Nếu ỉa chảy không quá 14 ngày gọi là tiêu chảy cấp, nếu ỉa chảy trên 14 ngày gọi là tiêu chảy kéo dài.

Tiêu chảy mạn thường do các bệnh bẩm sinh hoặc di truyền là tiêu chảy mà nguyên nhân của nó là do rối loạn về cấu trúc của ruột hay hệ thống men của ống tiêu hoá. Đợt tiêu chảy là thời gian kể từ ngày đầu tiên bị tiêu chảy tới ngày mà sau đó hai ngày liền phân của trẻ bình thường.

Kết quả hình ảnh cho tiêu chảy cấp ở trẻ

Ví dụ: một trẻ ỉa chảy 3 ngày liền, ngày thứ 4 trẻ không ỉa, rồi sau đó lại ỉa chảy trong 2 ngày nữa, sang ngày thứ 7 và ngày thứ 8 trẻ ỉa bình thường, như vậy đợt tiêu chảy của trẻ là 6 ngày (3 + 1 + 2 = 6). Nếu ngày thứ 9 trẻ ỉa phân lỏng 4 lần là trẻ lại bắt đầu một đợt tiêu chảy mới.

Nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở trẻ thường do virus. Những loại virus gây tiêu chảy là Rotavirus, Adenovirus, Norwalk virus, trong đó Rotavirus là tác nhân chính gây bệnh tiêu chảy cho trẻ em dưới 2 tuổi. Ước tính có đến 1/3 số trẻ em dưới 2 tuổi có ít nhất bị một đợt tiêu chảy do Rotavirus.

Tiêu chảy do virus thường xảy ra vào mùa đông. Ngoài ra còn do vi khuẩn như E. Coli, lỵ trực khuẩn, phảy khuẩn tả… Tiêu chảy do vi khuẩn thường xảy ra vào mùa hè. Cũng có thể do ký sinh trùng hoặc nấm. Những trẻ hay bị tiêu chảy thường là: trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đẻ non yếu.

Kết quả hình ảnh cho tiêu chảy cấp ở trẻ

Trẻ không bú mẹ, ăn nhân tạo không đúng phương pháp. Cho trẻ bú chai, vì chai và vú cao su rất khó rửa sạch. Ăn sam sớm, thức ăn để lâu. Sử dụng nguổn nước bị ô nhiễm. Chế độ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống kém. Trẻ sau khi bị các bệnh như sởi, viêm tai giữa, làm khả năng miễn dịch giảm.

Trẻ tiêu chảy thường có biểu hiện đột ngột ỉa nhiều lần, phân nhiều nước (khi tiêu chảy do xuất tiết), có thể có lẫn nhầy, máu và có mùi chua, tanh, nồng hoặc thối khẳn (khi tiêu chảy do xâm nhập). Trường hợp nặng thấy phân tự chảy ra do bị liệt cơ co thắt hâu môn.

Nôn thường xuất hiện sớm trước khi có triệu chứng ỉa lỏng từ vài giờ đến vài chục giờ. Nôn có thể xảy ra liên tục hoặc chỉ nôn một vài lần trong ngày làm trẻ mất nước, mất muối. Trong trường hợp này, nguyên nhân gây bệnh thường do Rotavirus hoặc tụ cầu. Biếng ăn thường xuất hiện sớm ngay sau khi trẻ bị tiêu chảy. Trẻ thường từ chối các thức ăn thông thường, chỉ thích uống nước.

Kết quả hình ảnh cho tiêu chảy cấp ở trẻ

Biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy là mất nước. Biểu hiện của trẻ bị mất nước là khát nước. Cho trẻ uống nước bằng cốc, chén, thìa và quan sát để đánh giá mức độ mất nước: trẻ uống nhưng không thích lắm hoặc từ chối uống là chưa có mất nước trên lâm sàng.

Trẻ uống một cách háo hức, khi uống trẻ thường nắm giữ lấy thìa, ghì cốc vào miệng hoặc khóc ngay khi ngừng cho uống và nhìn theo cốc nước đang bị lấy đi. Đây là một trong các dấu hiệu quan trọng nói lên tình trạng mất nước. Khi trẻ li bì, đưa thìa nước vào miệng, trẻ không uống hoặc uống yếu ớt, hồi lâu mới uống được một ít nước là biểu hiện mất nước nặng.

Quan sát mắt trẻ nếu bình thường là không mất nước, trũng là mất nước nhẹ, rất trũng là mất nước nặng. Quan sát khi trẻ khóc, nếu trẻ khóc to, có nước mắt chảy ra là không mất nước, nếu mắt khô và khóc không có nước mắt là trẻ có mất nước.

Môi miệng lưỡi trẻ khô là có mất nước. Trẻ đái ít, nước tiểu xẫm màu là biểu hiện mất nước, nếu trẻ không đi tiểu 6 giờ liền là mất nước nặng. Nếu trẻ còn thóp thì quan sát thóp nếu thấy trũng là có mất nước.

Kết quả hình ảnh cho tiêu chảy cấp ở trẻ

Cách chăm sóc: quan trọng nhất là bù nước cho trẻ.

– Nếu trẻ chưa có dấu hiệu mất nước, đề phòng bằng cách cho trẻ uống dung dịch Oresol ngay sau lần ỉa phân lỏng đầu tiên với liều lượng sau: 50 – 100 ml sau mỗi lần đi ỉa đối với trẻ dưới 2 tuổi. 100 – 200 ml sau mỗi lần đi ỉa đối với trẻ từ 2 – 5 tuổi.

Uống theo nhu cầu đối với trẻ trên 5 tuổi. Nếu không có Oresol thì cho uống nước cháo muối hoặc nước muối đường hay nước dừa non với liều lượng như trên.

+ Cách pha Oresol: Chỉ có một cách pha duy nhất là hòa cả gói oresol 1 lần với 1 lít nước nguội. Dung dịch đã pha chỉ được dùng trong 24 giờ.

+ Nấu nước cháo muối: 1 nắm gạo + 6 bát (200ml/bát) nước + 1 nhúm muối, đun sôi cho đến khi hạt gạo nở tung ra, chắt lấy 1000ml. Uống trong thời gian 6 giờ, không hết đổ đi, nấu nổi khác.

Kết quả hình ảnh cho pha oresol

+ Nước muối đường: Hoà tan 1 thìa cà phê muối, gạt bằng (3,5g) + 8 thìa cà phê đường, gạt bằng (40g) + 1000ml nước sôi để nguội. Uống trong vòng 24 giờ.

+ Nước dừa non: Hoà tan 1 thìa cà phê muối, gạt bằng (3,5g) trong 1000ml nước dừa non. Uống trong 6 giờ, không hết đổ đi pha bình khác.

Cho trẻ ăn đầy đủ các chất, nhất là chất đạm. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đối với trẻ đang bú mẹ, cho trẻ ăn những thức ăn thay thế sữa mẹ phù hợp với tháng tuổi đối với trẻ đang được nuôi dưỡng bằng chế độ ăn nhân tạo, tiếp tục cho trẻ ăn sam đối với trẻ đang trong thời kỳ ăn sam, tiếp tục cho trẻ ăn bình thường đối với trẻ lớn.

Thức ăn của trẻ tiêu chảy phải được nấu nhừ, dễ tiêu hoá, giàu chất dinh dưỡng, nhất là chất đạm, giàu vitamin và muối khoáng. Khuyến khích cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Sau khi khỏi bệnh, cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong thời gian 2 – 4 tuần.

Hình ảnh có liên quan

– Phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi thấy có một trong các dấu hiệu sau: Trẻ quấy khóc, kích thích vật vã, trẻ khát nhiều, trẻ nôn nhiều, trẻ ỉa phân có nhầy máu, trẻ không đái được, Phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khám lại nếu sau 5 ngày điều trị tại nhà không có tiến triển tốt.

– Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ khi: phân có máu, bệnh tả, thương hàn, có biểu hiện nhiễm khuẩn.

PGS Thận học, TS. Hà Hoàng Kiệm

Nguyên chủ nhiệm bộ môn phục hồi chức năng BV 103

Theo GĐM

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X