Sự khác biệt giữa đứa trẻ không chơi game và đứa trẻ được phép chơi game từ nhỏ
Nhiều cha mẹ loay hoay trong việc làm thế nào để con không chơi game nhưng đều không tìm được phương pháp tối ưu nhất.
Hôm trước, tôi đọc trên một diễn đàn bài chia sẻ của bà mẹ có con gái được nhận vào trường đại học nổi tiếng. Tuy nhiên sau đó cô bé không thể tốt nghiệp đúng tiến độ như các bạn cùng lớp vì trượt quá nhiều môn và bị nhà trường ra lệnh buộc thôi học.
Bà mẹ cho biết suốt khoảng thời gian là học sinh trên ghế nhà trường, cô bé được cha mẹ kèm cặp rất nghiêm túc nên cô bé liên tiếp đạt được học sinh giỏi đúng như kỳ vọng của gia đình. Tuy nhiên điều không ngờ nhất là chỉ sau thời gian xa nhà 2 năm để đi học đại học, cô bé lại thay đổi hoàn toàn và bắt đầu sa đà vào con đường nghiện game online.
Thực tế có không ít trường hợp trẻ bị nghiện game cuối cùng dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc trong việc học. Nhiều cha mẹ loay hoay trong việc làm thế nào để con không chơi game nhưng đều không tìm được phương pháp tối ưu nhất.
Không ít phụ huynh coi game online như “chất gây nghiện” nên cấm tiệt không cho trẻ đụng vào điện thoại. Tuy nhiên hôm trước một bà mẹ có chồng là dân IT (Công nghệ thông tin) chia sẻ rằng chồng chị vẫn dành một ít thời gian trong ngày để dạy con chơi game. Ban đầu chị cảm thấy khó chịu vì sợ con sẽ bị nghiện game mà quên học. Kết quả là sau này chị phát hiện ra con trai không hứng thú lắm với những trò chơi của bố, con chơi game một lúc rồi đi xây những viên gạch Lego. Vậy nên từ đó đến giờ chị không cấm con chơi game nữa.
Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu
Bà mẹ này cho rằng sở thích chơi game của trẻ em bắt nguồn từ sự tò mò, và một khi hết tò mò, trẻ sẽ không còn hứng thú. Ngược lại, cha mẹ càng ngăn cản thì càng dễ khơi dậy tính tò mò của trẻ, sau đó sẽ tìm cách để chống đối với bố mẹ, đến mức không kiềm chế được.
Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy rằng: Cha mẹ càng cấm đoán trẻ càng dễ mê game
Một nhà tâm lý học nổi tiếng giải thích rằng đây được gọi là “hiệu ứng trái cấm”. Chúng ta càng cấm trẻ chơi game, những trò chơi lại càng hấp dẫn trẻ vì tò mò. Khi con cái nằm ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ, trẻ có thể sa đà vào trò chơi và không thể tự giải thoát.
Giống như người chồng làm IT của bà mẹ trên câu chuyện trên, anh cho biết thực chất dạy con chơi game là để sau này trẻ không nghiện game online, để con hiểu game là như thế nào.
Khi chúng ta đồng hành cùng trẻ để tìm hiểu về game, trẻ học cách tự chủ, bên cạnh đó con sẽ không bị cảm giác tò mò về loại trò chơi này trong suy nghĩ.
Hơn nữa, đối với bậc cha mẹ không ngừng ngăn cản con khi chơi game khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có nhiều căng thẳng. Có thể khi trẻ còn nhỏ thì cha mẹ có thể quản lý từng bước một. Nhưng khi trẻ lớn hơn, nhiều đứa trẻ ngoan ngoãn trở nên rất nổi loạn và mối quan hệ cha mẹ – con cái trở nên căng thẳng.
Vì vậy để con cái có thể vừa được chơi game nhưng không ảnh hưởng đến học hành, cha mẹ nên:
Tinh tế hơn trong việc giáo dục con cái
Thông qua những cách tinh tế, các ông bố hãy cho trẻ biết rằng chơi game có thể giúp chúng ta thư giãn và giải trí tinh thần, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống, không phải là điều cần thiết. Bất cứ khi nào có điều gì đó quan trọng hơn nó, trẻ phải đều có thể ngừng lại một lúc để thực hiện những điều ưu tiên hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu
Đa dạng hơn các hoạt động ngoại khóa của trẻ
Cha mẹ nên tạo cho trẻ sân chơi nhiều màu sắc với các hoạt động như đi chơi, đọc sách, leo núi, chơi bóng và dã ngoại… Như vậy trẻ sẽ được chi phối suy nghĩ mà không quá tập trung vào game
Nhận biết trò chơi, kiểm soát thời gian chơi và cần sự giúp đỡ của cha mẹ
Cha mẹ có thể cho phép trẻ chơi trò chơi, nhưng không nên để các con quá tập trung vào game. Bản chất của trò chơi mà trẻ chơi, có phù hợp với trẻ hay không thì cha mẹ phải kiểm tra, thời gian chơi trò chơi của trẻ cũng phải có quy định.
Ví dụ, sau khi thảo luận trước với trẻ, trò chơi sẽ kết thúc sau nửa giờ, và chỉ khi trẻ tuân thủ các quy tắc thì mới có đủ điều kiện để tiếp tục chơi những lần tiếp theo.