Cuộc đời bi kịch của chàng trai tốt nghiệp ĐH danh giá, 1 tay cầm 5 cuốn sổ lấy thuốc trị bệnh tâm thần

Cha từng đi bộ đội, mẹ là nông dân chất phác hiền lành, cuộc sống của anh Lê Trung Vinh (40 tuổi, ở Thanh Khê, Đà Nẵng) đáng lý ra phải có sự bình yên và êm ả. Vậy mà buồn thay, gia đình của anh, bao gồm cả anh đều gặp bi kịch vì căn bệnh tâm thần.

Ngày ấy, chị gái thứ ba trong gia đình anh Vinh – chị Lê Thị Tuyết Pha là niềm tự hào của dòng họ khi năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc. Nhưng đến năm lớp 8, chị Pha rơi vào tình trạng mất ngủ, lúc nào cũng lo lắng và nghĩ rằng có người hãm hại gia đình mình.

Gia đình anh Vinh đều đang phải điều trị tại bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (Ảnh: VNE)

Ông Lê Ngọc Bích (cha của anh Vinh) đưa con đi viện, uống thuốc một năm nhưng không thuyên giảm. Rồi nỗi đau chưa dừng ở đó, chị Kim Oanh, người con gái thứ 2 cũng đột nhiên có biểu hiện lạ. Cô gái vừa học hết lớp 12 thức cả đêm, chửi mắng mẹ không ngớt.

“Tuổi thơ của tôi chứng kiến hàng chục thầy cúng về nhà làm phép, nhưng bệnh tình của các chị mỗi lúc một nặng thêm. Ai cũng nghĩ nhà tôi bị ma quỷ ám bởi khi đó chưa ai biết đó là hậu quả của chất độc hóa học”, anh Vinh nhớ lại.

Vài năm sau, chính ông bố cũng có biểu hiện hoang tưởng. Lần thứ 3, bà mẹ phải tự tay đưa người thân vào bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. “Mẹ hay nhìn tôi với vẻ u sầu. Bà nói hãy cố học giỏi để mai này mẹ mất thì hai anh em nuôi các chị”, anh nói.

Thương mẹ và gia đình, anh Vinh cố gắng học tập, tốt nghiệp THPT loại giỏi và được tuyển thẳng vào đại học Bách Khoa TP.HCM. Nhưng di chứng da cam cũng không chịu buông tha.

Năm cuối đại học, anh bắt đầu nói lảm nhảm, mất ngủ triền miên. “Tôi uống thuốc ngủ liều cao mà vẫn không ngủ được, trong người bồn chồn, đứng ngồi không yên. Tôi tuyệt vọng lắm”.

Anh Vinh phải cố gắng rất nhiều mới có thể tốt nghiệp ĐH (Ảnh: VNE)

Chàng sinh viên năm cuối xin bảo lưu kết quả học tập về bệnh viện tâm thần Đà Nẵng điều trị. Mất một năm, sức khỏe ổn định, Vinh quay lại giảng đường. Anh tốt nghiệp đại học Bách Khoa TP.HCM và được nhận vào làm nhân viên bảo trì thiết bị y tế. Thu nhập lúc đó của Vinh đủ nuôi sống gia đình.

Nhưng đi làm được 3 tháng, bệnh cũ của Vinh lại tái phát, chân tay run rẩy, nói lảm nhảm nên bị cho thôi việc. Lúc này, ông Bích, ba anh chỉ nằm một chỗ.

Ngày đi làm, đêm anh vừa chăm sóc ba, vừa canh chừng các chị gái vì sợ họ phát bệnh. Chỉ một năm, Vinh phải đưa chị gái đi cấp cứu 4 lần vì chị uống thuốc ngủ tự tử.

Cũng năm đó, ba anh qua đời. Gánh nặng dồn cả lên vài người mẹ. Chịu đựng qu­á nhiều nỗi đau, năm 2012, bà bị trầm cảm nặng, trở thành người cuối cùng của gia đình làm bệnh nhân của bệnh viện tâm thần Đà Nẵng.

“17 năm đi làm, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào đau lòng như vậy. Một mình Vinh cầm một lúc 5 cuốn sổ đi lấy thuốc. Mỗi lần lấy là cả một bao lớn”, điều dưỡng Ung Thị Thùy, công tác ở bệnh viện tâm thần Đà Nẵng kể.

Bệnh viện Đà Nẵng là nơi chứng kiến ‘bi kịch’ của gia đình anh Vinh (Ảnh: Internet)

Hai năm trước, một lần, chị hàng xóm hỏi: “Xưa anh học giỏi thế, giờ còn nhớ kiến thức thì chỉ dùm con em”. Nghe lời đề nghị của người hàng xóm, Vĩnh nghĩ: “Ừ, sao mình không dạy bọn trẻ học nhỉ. Vừa có thu nhập, vừa để nhà có người ra vào nói chuyện”.

Tối đó, Vinh thức viết một lá thư, nhờ cháu trai mang đến lớp gửi các phụ huynh. Trong thư, anh mong họ sẽ đưa con đến lớp học của mình. “Tui nói với họ ai có tiền thì trả, không thì cũng không sao”, Vinh tâm sự.

Vài ngày sau, dưới hiên nhà, một lớp học của “thầy giáo Vinh” đã được dựng lên. Lớp cấp hai ban đầu chỉ có 2 học sinh dần dần tăng lên 5 em. Một số phụ huynh học sinh tiểu học thấy Vinh dạy tốt nên cũng cho con em đến lớp. Sau khi mở lớp, Vinh được một mạnh thường quân tài trợ chi phí mua bàn ghế, bảng bút.

Ngoài lớp học thu tiền, anh mở một lớp miễn phí cho 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Biết Vinh dạy học, điều dưỡng Thùy hàng ngày chạy xe máy 10 km đưa con đến lớp học của anh. Sau ba buổi đến lớp, con trai chị nói với mẹ “Chú Vinh dạy hay như các gia sư” khiến anh vui và người mẹ cũng vui lây.

Anh Vinh cố gắng vươn lên nhờ việc dạy học (Ảnh: VNE)

Ngẫm cuộc sống này có biết bao mảnh đời đau thương, nhưng ‘tàn khốc’ như gia đình của anh Vinh thì thật hiếm gặp. Còn bi kịch nào tồi tệ hơn thế, khi mà cả 5 người trong cùng một gia đình đều phải đến bệnh viện mỗi năm, đều có những lúc đau đớn vì nửa mê nửa tỉnh.

Và xót xa nhất, chính là tài năng của họ phải chôn vùi vì số phận. Giá như, ông trời không bất công đến thế. Giá như, tất cả đều bình thường thì ít nhất trong gia đình ấy, sẽ có 2 con người học giỏi có thể làm rạng danh dòng họ, làm ‘mát mặt’ mẹ cha. Nhưng hỡi ôi, chẳng còn gì sau tất cả!

Tiếc nuối hơn cả vẫn là câu chuyện của anh Vinh, được chuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa, đã học xong chương trình khó nhằn và tốt nghiệp, nhưng anh chẳng thể ra đời mưu sinh, kiếm tiền phụ gia đình như ước nguyện thời thơ ấu.

Trong khi nhiều bạn trẻ bây giờ, đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, bình thường, thậm chí được số phận ‘ưu ái’ làm con nhà giàu, vẫn lêu lổng ham chơi, chẳng biết thương mẹ cha, chẳng biết phấn đấu cho tương lai tươi sáng.

Còn anh Vinh và gia đình, dù tận cùng của bi đát, thì họ vẫn còn đó một nghị lực sống quá đỗi phi thường. Xúc động nhất chính là hình ảnh người mẹ tảo tần theo năm tháng, kiên trì làm chỗ dựa cho chồng con. Hạnh phúc nhất là khi cậu con trai út không phụ lòng mẹ, hiếu thảo và giỏi giang, là trụ cột chính để nuôi các chị, bất chấp những đớn đau vì anh cũng mang bệnh trong người.

Đáng nể hơn, anh không từ bỏ hy vọng, anh vẫn kiên trì vươn lên và làm chuyện có ích cho đời. Anh có thể dạy học, có thể truyền đạt kiến thức, tiền anh kiếm được không nhiều như người ta, chỉ đủ trang trải qua ngày, thậm chí anh còn dạy miễn phí. Nhưng với anh, như thế đã là hạnh phúc lắm rồi.

May mắn là những người xung quanh không ai ‘kỳ thị’ anh, vẫn còn đó những bậc phụ huynh tin anh có thể dạy học, giúp con mình thành tài. Như trường hợp của chị điều dưỡng, đạp xe mỗi ngày 10 cây số, gửi gắm con cái của mình cho anh – là minh chứng đầy cao đẹp về niềm tin giữa con người trong xã hội đầy dối gian.

Sau cùng, chỉ mong lắm những câu chuyện như thế này sẽ truyền động lực sống cho tất cả chúng ta. Đừng chỉ ‘nhìn lên’ rồi than vãn trách phận, đi so sánh bản thân với những người giàu có. Mà xin hãy bớt chút thời gian ‘nhìn xuống’, để thấy những mảnh đời còn khó khăn hơn mình nhưng người ta vẫn mạnh mẽ vượt qua!

Đôi lúc sự ‘bình thường’ của người này lại là ước mơ xa xỉ của người khác! Thế nên, hãy cảm thấy hạnh phúc  và biết ơn khi bản thân vẫn còn may mắn và ấm no.

Theo Giadinhmoi

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X