/**/

5 kiểu chọc ghẹo trẻ con thiếu suy nghĩ của người lớn gây nguy hại khôn lường

Nhiều người lớn không nhận thức được rằng, hành vi tiêu cực và sai trái của trẻ có thể bắt nguồn từ những cách chọc ghẹo, trêu đùa không đúng của người thân quen.

1. Trêu chọc bộ phận nhạy cảm của trẻ

Không ít người lớn thích “vạch quần” để trêu bé trai hay vỗ mông hoặc ôm bé gái. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu một đứa trẻ không hiểu đó là hành vi “thân thiện” của người lớn. Chúng sẽ cảm thấy khó chịu, bất an. Nặng hơn, các bé có thể bị ám ảnh, dễ hồi tưởng tiêu cực về những hành vi đã xảy ra.

Ngay cả khi trẻ được dạy để chấp nhận những hành vi như thế là “thân thiện”, chúng cũng sẽ đối diện nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đó là hành vi động chạm đến bộ phận nhạy cảm của bạn khác, của trẻ nhỏ tuổi hơn, vì cho rằng những hành vi đó chẳng có gì xấu, thậm chí còn là sự “thân thiện”.

Trẻ cũng sẽ có xu hướng chấp nhận cho phép những người lạ được làm như vậy với mình và hậu quả là có thể bị cưỡng bức hoặc lạm dụng tình dục.

5 kiểu chọc ghẹo trẻ con thiếu suy nghĩ của người lớn gây nguy hại khôn lường- Ảnh 1.

Nếu người lớn muốn con mình tôn trọng và bảo vệ những vùng nhạy cảm của bản thân thì hãy dừng lại kiểu đùa “vỗ mông, bẹo má”. Ảnh minh hoạ

2. Trêu trẻ hút thuốc lá

Khi tới thăm họ hàng trong những ngày nghỉ lễ hoặc lúc tụ tập đại gia đình, lúc này thường có một số người hút thuốc lá. Đặc biệt, có người cho trẻ thử hút thuốc lá, xem trẻ bị sặc khói rồi cười đùa với nhau.

Ai cũng biết thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng họ vẫn thích trêu chọc trẻ, điều này sẽ tạo tiền đề cho trẻ rơi vào con đường nghiện thuốc lá sau này. Đây là một cách trêu chọc phản cảm, cha mẹ nên ngăn cản ngay lập tức.

3. Đùng những nhân vật đáng sợ để dọa trẻ

Phải nói rằng, trong một số trường hợp, cách này khá hiệu quả, trẻ trở nên ngoan ngoãn nghe lời người lớn. Tuy nhiên, những nguy cơ sau đó là gì?

Giáo dục dựa trên cơ sở sợ hãi sẽ dẫn đến việc trẻ chỉ làm hoặc nghe lời một cách đối phó chứ không tự giác. Đồng thời, nếu người dọa trẻ là cha mẹ, họ đã vô tình đào một hố sâu khoảng cách về tình cảm với con cái.

Trẻ bị dọa nhiều có thể dẫn đến biểu hiện như sợ bóng tối, sợ ma, thậm chí sợ tất cả các con vật ít có khả năng gây nguy hiểm như thạch sùng, gián, chuột…

Với những cha mẹ lấy “công an” dọa con, những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ có những niềm tin sai lầm rằng, đó là người xấu và sẽ có thái độ không thân thiện.

Nếu đến một lúc trẻ nhận ra rằng không có ông Ba Bị đến bắt như bố, mẹ nói thì sao? Trẻ sẽ cảm thấy chẳng có gì khiến mình sợ nữa, chẳng có gì có thể kiểm soát hành vi của mình. Đó là nguồn gốc cho những hành động vi phạm nội quy ở trường học và vi phạm pháp luật khi ra ngoài xã hội.

4. Dụ trẻ uống bia rượu

Người lớn thường uống bia rượu mỗi khi tụ tập với nhau trong các dịp đặc biệt. Nếu lúc này bàn ăn có trẻ em chắc chắn sẽ có người lớn trêu chọc trẻ uống rượu. Mặc dù biết điều này là không nên nhưng những người này lại tỏ ra thích thú với kiểu trêu chọc này.

Tuy nhiên, trẻ em trong thời kỳ đang phát triển, gan và các chức năng trao đổi chất vẫn chưa hoàn thiện, khả năng dung nạp và phân hủy ethanol kém, ngay cả bia rượu có nồng độ cồn thấp cũng dễ dàng tích tụ trong cơ thể, gây ngộ độc nghiêm trọng, các triệu chứng như hôn mê có thể xảy ra.

Ngoài ra, trẻ chưa có khả năng nhận biết, hành vi trêu chọc này sẽ khiến trẻ cho rằng bia rượu là thứ tốt, khiến chúng trở nên tò mò, thử uống quá sớm và hình thành thói quen xấu.

5 kiểu chọc ghẹo trẻ con thiếu suy nghĩ của người lớn gây nguy hại khôn lường- Ảnh 2.

Nếu cha mẹ nóng giận, chúng sẽ tin những điều bố mẹ từng nói, chắc là bố mẹ không thương vì mình được nhặt ngoài đường về… Ảnh minh hoạ

5. Doạ con sẽ bị cho ra rìa

Cha mẹ trong lúc nóng giận có thể sẽ vô ý nói những câu như “nhặt được con ở ngoài đường đem về nuôi”; “đem con đi bán hoặc đi cho”; “cho ra rìa”; “tống cổ ra khỏi nhà”…

Kể cả khi đứa trẻ nghe được những câu nói này trong lúc bố mẹ đang cười đùa thì chúng cũng sẽ có những cảm giác bất an. Chúng sẽ tiếp tục theo dõi bố mẹ để kiểm chứng những điều đó có đúng không. Chúng có thể sẽ cố tình gây ra lỗi để xem cha mẹ có chú ý và đủ kiên nhẫn.

Nếu cha mẹ nóng giận, chúng sẽ tin những điều bố mẹ từng nói, chắc là bố mẹ không thương vì mình được nhặt ngoài đường về. Bố mẹ có em rồi nên không còn yêu thương mình nữa, mình sẽ bị ra rìa…

Khi niềm tin này được củng cố, trẻ sẽ càng có xu hướng quậy phá hơn để tiếp tục tìm bằng chứng theo vòng luẩn quẩn như vậy. Cuối cùng, hậu quả có thể là tình cảm cha mẹ con cái bị chia cắt. Trẻ có xu hướng thù địch với cha mẹ và cả với những người cha mẹ quan tâm, vì cho rằng đó chính là đối thủ của các em.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, trẻ em khi sinh ra là tờ giấy trắng, cha mẹ và các thành viên trong gia đình sẽ vẽ lên đó những nét vẽ đầu tiên về giá trị, tính cách và phẩm chất để hình thành nên con người các em sau này.

Vì vậy, trước khi đặt bút vẽ phải cân nhắc hết các nguy cơ, vì chúng ta khó có thể tẩy xóa những nét vẽ đầu tiên này. Nếu người lớn muốn con mình tôn trọng và bảo vệ những vùng nhạy cảm của bản thân thì hãy dừng lại kiểu đùa “vỗ mông, bẹo má”.

Nếu chúng ta không muốn hình thành ở con em sự sợ hãi, đừng sử dụng dọa dẫm để trêu chọc.

Nếu muốn tạo lập một bầu không khí gia đình yêu thương và gắn kết, hãy chấm dứt ngay những lời nói kiểu “nhặt con ngoài đường”, kể cả là khi đùa vui.

Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/5-kieu-choc-gheo-tre-con-thieu-suy-nghi-cua-nguoi-lon-gay-nguy-hai-khon-luong-172240728154754616.htm