Bà mẹ đơn thân từng được 2 đời Tổng thống Mỹ ca ngợi: Một tay nuôi dạy 13 con thành tiến sĩ, tất cả nhờ phương châm gói gọn trong 15 chữ này
Đây là một người mẹ tuy bình thường nhưng cũng rất phi thường.
Lý Xương Ngọc, hay vẫn thường được biết đến dưới cái tên Henry Lee, là một nhà pháp y người Mỹ gốc Hoa. Ông là một trong những tên tuổi đình đám của ngành pháp y Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Lý Ngọc Xương đã góp công lớn trong việc phá giải nhiều vụ án nghiêm trọng, trong đó có vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và vụ khủng bố 11/9.
Ít ai biết rằng, Lý Xương Ngọc có được thành tựu như ngày hôm nay là nhờ mẹ mình. Vương Thục Trinh là một người mẹ vừa vĩ đại vừa bình thường. Bà vĩ đại vì đã tự tay nuôi dưỡng lên 13 vị tiến sĩ. Bà bình thường bởi vì bản thân bà không có nhiều tiếng tăm, chỉ là một phụ nữ nội trợ đơn giản không có sự nghiệp riêng.
Góa chồng năm 52 tuổi, một mình nuôi 13 con thành Tiến sĩ
Vương Thục Trinh sinh năm 1897 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Bà xuất thân trong một gia đình khá giả, học trường nữ sinh, thích thơ ca, nhạc họa ngay từ khi còn nhỏ.
Năm 19 tuổi, người đẹp Vương Thục Trinh kết hôn với Lý Hạo Dân – công tử của một phú gia ở địa phương. Từ đó, bà tận lực để trở thành một người vợ hiền, một người từ mẫu, giúp chồng quản nhà dạy con. Thời đó, người ta cho rằng càng có nhiều con thì phúc phận càng lớn. Vậy nên Vương Thục Trinh đã sinh 8 con gái và 5 con trai cho dòng họ Lý.
Bên ngoài, Lý Hạo Dân điều hành một doanh nghiệp buôn bán lương thực, trong nhà, Vương Thục Trinh giữ vững vai trò nội trợ, là hậu phương vững chắc cho chồng mình. Hai người có với nhau 13 đứa con, cuộc sống viên mãn đến thần tiên cũng phải ghen tị.
Vợ chồng Vương Thục Trinh
Năm 1948, vợ chồng Vương Thục Trinh chuyển đến Đài Loan. Trong một chuyến vận chuyển hàng hóa bằng tàu từ Giang Tô tới Đài Loan, Lý Hạo Dân chẳng may gặp nạn qua đời.
Bi kịch này khiến gia đình bà mất đi trụ cột và sa sút dần. Vương Thục Trinh trở thành góa phụ, một mình dắt theo 13 đứa con giữa nơi đất khách quê người.
Dù vậy, Vương Thục Trinh chưa từng nản lòng dù chỉ một ngày. Bà không những muốn toàn bộ con cái mình có cơm ăn no bụng, mà còn cố gắng cho chúng đi học để hưởng nền giáo dục tốt nhất. Người mẹ này tâm niệm: Có thể nghèo vật chất, nhưng không thể nghèo giáo dục!
Vì thế, người mẹ này chấp nhận làm người giúp việc để kiếm sống qua ngày. Để có tiền nuôi con, bà từ một vị phu nhân chuyên làm nội trợ trở thành một người giúp việc làm thuê. Dù là trông trẻ, giặt giũ hay nấu ăn, dạy nhạc cho gia đình giàu có, chỉ cần có thể kiếm tiền, bà đều không quản ngày đêm làm việc.
Lúc ấy, Vương Thục Trinh sống với 13 người con tại khu Đào Viên – một vùng ngoại ô vắng vẻ của Đài Loan. Các con bà đều học trong nội thành, mỗi ngày đi đi về về phải đi bộ hàng chục cây số. Dù mệt mỏi thế nào, bà vẫn cố gắng hết sức, coi như hi sinh đời mình để tạo dựng tương lai cho các con.
Lúc đầu, những đứa trẻ không nhận ra sự vắng mặt của người cha nên ảnh hưởng của việc này cũng không lớn. Nhưng càng về sau, chúng càng cảm thấy xấu hổ. Người mẹ ngậm đắng nuốt cay, dốc hết tình cảm và lý lẽ để an ủi cho các con của mình: “Muốn đổi đời, các con phải xây dựng tiền đồ vững chắc”.
Vương Thục Trinh có những yêu cầu khắt khe đối với con cái, có thể nói là khắc nghiệt. Sau khi tốt nghiệp trường cảnh sát, con trai bà là Lý Xương Ngọc trở thành thanh tra, có thu nhập không tệ. Tuy nhiên, bà lại nói với con trai: “Con phải học tiếp, bằng thạc sĩ chưa đủ, con phải có bằng tiến sĩ”.
Vương Thục Trinh hy vọng rằng các con sẽ trở thành những tài năng đỉnh cao xuất sắc nhất có thể, không là những người trưởng thành mà còn là những tài năng xuất chúng. Nhờ triết lý giáo dục này mà có tới 13 vị tiến sĩ được sinh ra trong dòng họ Lý – một kỳ tích không tưởng. Họ đều là
13 người con này hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau. Họ là nhà khoa học, doanh nhân, nhà thiết kế thời trang, kỹ sư nông nghiệp nghệ sĩ, nhân viên quảng cáo, nhân viên chứng khoán, kỹ sư công nghệ thông tin, giáo sư đại học,…
Lý Xương Ngọc (Henry Lee) – người con tài giỏi nhất của Vương Thục Trinh
– Lý Xương Thuyên (nam): ĐH Kinh doanh Thượng Hải, làm việc trong lĩnh vực kinh doanh.
– Lý Xương Đạc (nam): Cao đẳng Nông nghiệp Đài Loan và Đại học New York, tham gia nghiên cứu khoa học.
– Lý Xương Cương (nam): Chuyên gia tư vấn canh tác châu Phi của Liên Hợp Quốc và kỹ sư bảo vệ môi trường và bảo tồn nước của Mỹ.
– Lý Xương Vân (nữ): Tốt nghiệp Trường Khoa học Chính trị Trung ương Đài Loan và làm việc cho một công ty văn phòng phẩm tại Hoa Kỳ.
– Lý Xương Long (nữ): Tốt nghiệp trường Quản gia Thượng Hải, nhà thiết kế thời trang người Mỹ.
– Lý Tiểu Phong (nữ): Khoa Nông nghiệp, ĐH Quốc gia Đài Loan, Thạc sĩ ĐH Edward, Tiến sĩ ĐH Pittsburgh, Giáo sư ĐH New York.
– Lý Xương Nghê (nữ): Tốt nghiệp ĐH Soochow ở Đài Loan và ĐH New York ở Hoa Kỳ, là Phó chủ tịch Công ty chứng khoán Berlin và Chủ tịch Tập đoàn hóa dầu Hoa Kỳ.
– Lý Xương Hà (nữ): Tốt nghiệp ĐH Dulu, Hoa Kỳ, làm thiết kế cho công ty bảo hiểm Hoa Kỳ.
– Lý Xương Bình (nữ): Tốt nghiệp khoa Luật trường ĐH Đông Ngô Đài Loan và từng là thẩm phán tòa án.
– Lý Xương Hâm (nam): Tiến sĩ ĐH Maryland, Phó trưởng khoa Sau đại học của ĐH Virginia.
– Lý Xương Ngọc (nam): Tiến sĩ ĐH New York, Giám đốc Trung tâm Pháp y bang Connecticut, chuyên gia pháp y nổi tiếng thế giới
– Lý Xương Như (nữ): Tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Quốc phòng Đài Loan, làm công việc y tá.
– Lý Xương Chỉ (nữ): Tốt nghiệp Học viện Báo chí Đài Loan và Học viện Quảng cáo Thời trang Hoa Kỳ, chuyên gia thiết kế quảng cáo nổi tiếng
3 trong số 13 người con này đã được trao danh hiệu “Top 10 người Mỹ trẻ xuất sắc nhất.” Thậm chí, Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush đã viết thư ca ngợi Vương Thục Trinh vào Ngày của Mẹ, gọi bà là “người mẹ tuyệt vời”.
Bí quyết dạy con gói gọn trong 15 chữ
Vương Thục Trinh rất thành công trong việc giáo dục con cái, nhưng triết lý dạy con của bà chỉ có 15 chữ. Bà thường nói với các con rằng: “Đối xử tốt với người khác, làm việc phải chuyên tâm, nói ít làm nhiều”.
Tuy triết lý của Vương Thục Trinh chỉ vỏn vẹn 15 chữ nhưng lại chứa đựng các khía cạnh lớn của cuộc sống:
Đối xử tốt với người khác có nghĩa là hãy giữ lấy cái tâm lương thiện và lan tỏa điều thiện ra bên ngoài. Đây là nguyên tắc làm người đầu tiên của chúng ta. Con người có thể bất tài, nhưng không thể thất đức, không thể dùng mưu mô thâm độc. Vì vậy, cổ nhân đặt “đối xử tốt với người khác” lên hàng đầu.
Làm việc phải chuyên tâm. Trước tiên, khi làm việc phải đầy thành ý và chuyên tâm. Có chính tâm thì ý mới thành, có thành ý thì mới làm nên chuyện. Tập trung làm việc cho tốt trước đã, đừng vội nghĩ đến thù lao.
Cẩn trọng khi làm việc gì cũng có nghĩa khác là giữ lòng tôn trọng. Tôn trọng những việc mình đã làm, làm một cách trọn vẹn, không được nửa vời.
Nói ít là yêu cầu mọi người phải biết kiềm chế và tự chủ, tránh ngôn từ xảo quyệt. Kẻ nói quá nhiều, vừa dễ đắc tội với người khác, lại dễ tự đắc tội với chính mình; mặt khác, nếu nói quá nhiều và làm chẳng được là bao, ta sẽ trở nên phù phiếm và hời hợt.
Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Khi tôi im lặng, tôi cảm thấy trong lòng mình rất phong phú. Vừa mở miệng, lòng tôi đột nhiên trống rỗng”.
Làm nhiều là yêu cầu mọi người làm việc chăm chỉ và dùng hành động để biến lý tưởng và ý tưởng thành hiện thực. Làm việc không chỉ là cách biến ước mơ thành hiện thực mà còn là cách tu dưỡng bản thân.
15 chữ mà Vương Thục Trinh sử dụng để giáo dục con cái của mình, mặc dù đơn giản, nhưng là đúc kết từ kinh nghiệm ngàn đời của cổ nhân. Đó là điều không những các bậc làm cha mẹ mà cả ở những vị thế khác, ai cũng nên học hỏi.
Người đời nói xã hội hiểm ác, nhất là lòng người. Dù thế nào cũng chẳng thể biết lòng người nông sâu ra sao. Một người càng leo lên cao thì càng phải chịu nhiều gió lạnh. Vì vậy, Vương Thục Trinh đã rèn luyện cho các con bản lĩnh để có thể đứng vững trong xã hội.
Dù đi xa vẫn một lòng yêu quê
Năm 62 tuổi, Vương Thục Trinh quyết định đưa cả gia đình sang Mỹ. Để có tấm thẻ xanh, bà đã nỗ lực học tiếng Anh hết mình để vượt qua kỳ kiểm tra nhập cư.
Dù đi xa, trong trái tim Vương Thục Trinh vẫn một lòng hướng về cố hương. Thông thường khi ở nhà, bà giao tiếp với các con và nhất định sử dụng phương ngữ Giang Hoài và cả tiếng phổ thông. Người mẹ này làm vậy, một mặt vì nhớ quê hương, mặt khác là để nhắc nhở các con đừng quên mình là người Trung Quốc.
Khi được đề bạt làm Giám đốc Trung tâm Pháp y bang Connecticut, Lý Xương Ngọc ban đầu không đồng ý. Tuy nhiên, mẹ ông đã nói: “Những gì con làm không phải vì bản thân mà là để mở ra con đường cho những sinh viên Trung Quốc trong tương lai”.
Sau đó, Lý Xương Ngọc đã đảm nhiệm và duy trì vị trí này trong suốt 7 đời Thống đốc sau đó.
Vương Thục Trinh bên các con khi về già
Uống nước phải biết nhớ nguồn. Nếu không, một đứa trẻ dù ngoan đến đâu cũng sẽ trở thành kẻ ích kỷ quên mất người khác.
Vào ngày sinh nhật thứ 100 của Vương Thục Trinh, Tổng thống Mỹ Clinton cùng phu nhân và Thị trưởng Thành phố New York đã tới chúc mừng sinh nhật bà. Với sự đãi ngộ như vậy, ta có thể thấy bà được mọi người kính trọng đến nhường nào.
Tại bữa tiệc sinh nhật, khi các con hỏi Vương Thục Trinh muốn quà gì, bà chỉ nói: “Mẹ muốn về để xây trường học cho trẻ em Trung Quốc.” Một câu nói đơn giản đã bộc lộ tình yêu quê hương sâu sắc không nguôi của bà.
Vào ngày 6 tháng 3 năm 2003, Vương Thục Trinh qua đời tại New York (Mỹ), hưởng thọ 106 tuổi. Sinh ra ở Trung Quốc vào thế kỷ 19, trở thành công dân Mỹ ở thế kỷ 20 và qua đời ở thế kỷ 21, người mẹ này đã sống qua 3 thế kỷ và nuôi dạy cả 13 người con của mình trở thành Tiến sĩ. Đây quả là điều kỳ diệu mà mọi bậc cha mẹ thời đại nào cũng nên học hỏi.
(Theo Zhihu)
Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/ba-me-don-than-tung-duoc-2-doi-tong-thong-my-ca-ngoi-mot-tay-nuoi-day-13-con-thanh-tien-si-tat-ca-nho-phuong-cham-goi-gon-trong-15-chu-nay-4202195152134207.htm