Con bị tật bàn chân khoèo bẩm sinh, mẹ hối hận vì lúc mang bầu cứ làm điều này
Khi nghe bác sĩ chẩn đoán con bị khoèo chân bẩm sinh, chị Thêm đã rất bàng hoàng, đau đớn.
Ngày con chào đời, gia đình chị Thêm (25 tuổi, TPHCM) chưa kịp vui mừng thì phát hiện bé mang tật bàn chân khoèo bẩm sinh. Lúc đó mẹ trẻ khá lo lắng, cơn đau mổ đẻ còn chưa lành thì vết thương lòng dày xéo.
Chị Thêm kể lại: “Lúc con sinh được 4 ngày, sắp xuất viện thì vợ chồng mình đưa bé đi khám nhi. Tại bệnh viện bác sĩ chẩn đoán con bị khoèo chân bẩm sinh. Nghe được thông tin đó vợ chồng mình rất hoang mang. Bởi trước đó trong thai kỳ, mình đi siêu âm không phát hiện ra và nhìn bằng mắt thường cũng khó phát hiện.
Sau đó chồng mình bế con đến phòng vật lý trị liệu ở bệnh viện Hùng Vương để khám và tư vấn cách điều trị (lúc đó mình vẫn nằm viện). Ở đây các bác sĩ tư vấn 2 hướng điều trị tật khoèo chân bẩm sinh cho con mình:
– Một là điều trị ngay sau sinh: Dùng nẹp keo + đế nhựa, tập 3 lần/tuần. Có thể điều trị từ 3-6 tuần (tùy vào trường hợp bàn chân lệch trục ít hay nhiều)
– Cách 2: Điều trị khi 1 tháng
Hướng dẫn tự điều trị ở nhà và hẹn tái khám đánh giá khi bé được 1 tháng. Nếu bé có tiến triển tốt sẽ được hướng dẫn tự tập tại nhà tiếp. Nếu chân bé không đáp ứng với chương trình tự tập sẽ thực hiện điều trị theo phương pháp bó bột đùi cẳng bàn chân, để bột chỉnh bàn chân trong vòng 10 ngày sau đó đeo nẹp có thanh ngang khoảng 2-3 tháng.
Trường hợp của con mình bác sĩ chẩn đoán là dạng nhẹ nên chúng mình quyết định điều trị tại nhà (dù chi phí đắt hơn). Bệnh viện sẽ cử 1 bác sĩ có chuyên môn đến tận nhà chữa trị cho con mình”.
Tờ tư vấn chữa trị cho con chị Thêm ở bệnh viện Hùng Vương.
Theo mẹ trẻ, gia đình chị không có tiền sử dị tật bẩm sinh. Về nguyên nhân bé bị khoèo chân, các bác sĩ chẩn đoán rằng do thời kỳ mang bầu, chị Thêm ngồi nhiều và có thể ngồi sai tư thế, tử cung nhỏ, nước ối ít… khiến môi trường phát triển trong bụng của thai nhi bị ảnh hưởng.
“Nghe bác sĩ nói mà mình như chết lặng, rồi cũng rất hối hận. Đúng là thời kỳ sắp sinh mình ngồi khá nhiều và lâu. Mình có mua một máy may và may ga gối tại nhà để kiếm thêm thu nhập nuôi các con. Con lớn đi học nên mình khá rảnh rỗi và buồn nên cứ ngồi may vá suốt. Có thể lúc đó mình đã ngồi sai tư thế mà không hay. Mình chia sẻ điều này để cảnh báo các mẹ bầu khác nên thận trọng về mọi điều trong thai kỳ” – chị Thêm chia sẻ.
Hành trình điều trị tật khoèo chân bẩm sinh của em bé nhà chị Thêm
Bác sĩ đến nhà điều trị cho con chị Thêm là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chữa khoèo chân bẩm sinh cho trẻ. 1 tuần bác sĩ đến nhà 4 ngày để nẹp bàn chân, mát xa bàn chân cho em bé.
“Khi bác sĩ tập cho con mình gần 2 tuần thì chẩn đoán bé đã có tiến triển, sắp khỏi rồi, điều đó khiến vợ chồng mình rất mừng rỡ. Cô cũng bảo sẽ đến thêm 1 vài buổi nữa sau đó sẽ hướng dẫn vợ chồng mình cách nẹp bàn chân và mát xa cho con ở nhà. Tuy nhiên đến những buổi cuối thì cô có việc bận. Một bác sĩ khác đến nhà mình để chữa trị cho bé. Và bác đó nói rằng chân con mình vẫn chưa đỡ. Điều này khiến vợ chồng mình thất vọng và buồn kinh khủng. Bác sĩ này điều trị thêm tại nhà cho con thêm 5 ngày.
Sau đó, chúng mình quyết định đưa con đến bệnh viện để tái khám và đúng là chân bé chưa có tiến triển gì. Cuối cùng vì quá sốt ruột, mình và chồng quyết định chữa trị tại bệnh viện bằng phương pháp bó bột đùi cẳng bàn chân. Sau 10 ngày thì con được tháo bột. Hiện tại bé đang đeo giày nẹp bàn chân để định hình. Con đeo giày 22/24h trong ngày, trừ lúc bé tắm thì mình tháo ra. Nếu bé có tiến triển tốt thì con được giảm giờ đeo giày định hình xuống” – chị Thêm chia sẻ.
Nhìn con khó chịu rồi quấy khóc do phải bó bột rồi đeo giày định hình bàn chân, mẹ trẻ thấy thật xót xa. Thậm chí những lúc tháo giày để mát xa chân cho con, thấy bàn chân nhỏ bé của con lằn lên những vết đỏ do đi giày quá lâu, chị Thêm không kìm được nước mắt. Hiện tại bàn chân của con vẫn tiến triển khá chậm. Mẹ trẻ hi vọng chân con sớm bình thường để bé không phải chịu đau đớn, thiệt thòi…
Em bé phải bó bột sau đó đi giày định hình bàn chân
Tìm hiểu về tật bàn chân khoèo bẩm sinh
1. Tật bàn chân khoèo bẩm sinh là gì?
Khoèo chân bẩm sinh là sự biến dạng của một hoặc cả hai bàn chân ngay từ lúc trẻ vừa lọt lòng. Bàn chân khoèo khi sờ nắn có cảm giác cứng và ít di động do các cơ và dây chằng ở bàn chân bị co rút. Do đó khó có thể nắn sửa bàn chân của bé trở về tư thế bình thường. Tư thế bình thường của bàn chân được hiểu là một tư thế mà bàn chân thẳng hàng so với trục của xương cẳng chân và bàn chân vuông góc với cẳng chân một góc 90 độ.
Khoèo chân bẩm sinh có 3 biến dạng điển hình, tương ứng với các bất thường của các xương và khớp bàn chân như sau:
+ Phần trước bàn chân bị khép
+ Gót và phần sau bàn chân vẹo trong
+ Bàn chân duỗi đổ kiểu bàn chân ngựa
+ Vòm gan chân lõm
2. Nguyên nhân gây khoèo chân bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Hiện nay, nguyên nhân trẻ sơ sinh bị khoèo chân vẫn còn gây tranh cãi rất nhiều. Như trường hợp của con chị Thêm, bác sĩ chẩn đoán do mẹ ngồi lâu và sai tư thế. Nhưng ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như yếu tố di truyền, thai nhi bị ảnh hưởng bởi môi trường sống của mẹ không tốt (ô nhiễm không khí, mẹ hay căng thẳng, mẹ có sức khỏe yếu, mẹ bị thiếu nước ối…).
3. Một số bệnh lý đi kèm khi trẻ bị bàn chân khoèo
Theo thống kê, có khoảng 20% trường hợp trẻ bị khoèo chân còn mắc một số bệnh lý đi kèm như: Cứng khớp ngọn chi, loạn dưỡng cơ bẩm sinh, thoát vị tủy – màng tủy, hội chứng dải sợi ối, các hội chứng liên quan đến gen như: Hội chứng Edward và hội chứng DiGeorge. Về trường hợp của con chị Thêm, thật may mắn bé không kèm chứng bệnh nào khác.
4. Cách chẩn đoán tật bàn chân khoèo bẩm sinh
Khi trẻ mới chào đời, dị tật khoèo chân bẩm sinh có thể được bác sĩ chẩn đoán dựa trên quan sát, thông thường qua 3 đặc điểm điển hình: bàn chân duỗi cổ, vẹo trong và khép.
Bên cạnh đó, chụp X-quang sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán, xác định bệnh chân khoèo của trẻ chính xác.
+ Phim thẳng: Ở trẻ khoèo chân bẩm sinh, trục dọc của xương sên và xương gót song song hoặc có xu hướng song song nhau. Ở trẻ bình thường, hai trục này thường tạo góc 30 – 35º và mở ra trước.
+ Phim nghiêng: Bàn chân khoèo có trục dọc của xương sên và xương gót cũng gần song song nhau. Trong khi đó, hai trục này sẽ tạo góc 20º ở trẻ bình thường.
5. Hướng điều trị tật bàn chân khoèo ở trẻ
Nguyên tắc khi điều trị bàn chân khoèo trẻ sơ sinh đó là:
+ Chỉnh sửa biến dạng bàn chân
+ Phục hồi chức năng, độ linh hoạt và độ mạnh của bàn chân để trẻ có thể đi lại và vận động tốt hơn.
Có rất nhiều cách chữa bàn chân khoèo, trong đó có thể kể đến những phương pháp như sau:
+ Phương pháp Ponseti:
Cách này gồm một trình tự có 3 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn bó bột nắn sửa các biến dạng của chân khoèo, kế đến là phẫu thuật gân gót trong bao gân và cuối cùng là giai đoạn các bé mang giày nẹp để giữ hai bàn chân trong tư thế dang ra ngoài nhằm ngăn ngừa sự tái phát. Giai đoạn bó bột nắn sửa biến dạng và giai đoạn mang giày nẹp được thực hiện bởi chuyên khoa Vật lý trị liệu. Thời gian mang giày nẹp có thể kéo dài đến 5 tuổi. Phẫu thật gân gót trong bao gân được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình trẻ em.
+ Phương pháp kéo duỗi, băng bó:
Kéo duỗi và băng bó là một phương pháp vật lý trị liệu để điều trị bàn chân khoèo, được tiến hành bằng cách vận động bàn chân mỗi ngày sau đó giữ tư thế đúng của bàn chân với băng keo và dùng máy để khiến bàn chân vận động liên tục trong lúc bệnh nhân ngủ. Sau 2 tháng kéo duỗi và băng bó thì cần ngưng điều trị 3 lần mỗi tuần cho đến lúc trẻ đạt 6 tháng, cuối cùng là cho trẻ luyện tập hàng ngày, mang đai nẹp ban đêm cho đến khi trẻ biết đi.
+ Phẫu thuật:
Đây là phương pháp điều trị bàn chân khoèo trẻ sơ sinh dùng trong những trường hợp nặng, không đáp ứng với những biện pháp điều trị như trên. Kỹ thuật mổ được áp dụng đó là kéo dài gân gót, đưa bàn chân trở lại tư thế đúng, chuyển gân chày trước cũng như giải phóng những phần mềm sau trong.
Nguồn: https://tintuconline.com.vn/lam-me/con-bi-tat-ban-chan-khoeo-bam-sinh-vi-luc-mang-bau-me-lam-dieu-nay-n-553496.html
Xem thêm: Kinh hoàng bé trai 8 tuổi thường xuyên nôn ra giun sống, thủ phạm là 1 thứ quen mặt ngay trong nhà rất nhiều người
Bác sĩ Trương Băng Băng, phó khoa Thần kinh của Bệnh viện Nhi trực thuộc Đại học Tô Châu (Giang Tô, Trung Quốc) vẫn còn nhớ như in cảnh tượng đáng sợ tại phòng khám ngoại trú 2 ngày trước. Cha mẹ của một bé trai 8 tuổi hớt hải đưa con đến viện với gương mặt lo lắng tột độ, trên tay còn cầm theo một túi nước chứa sinh vật bò ngoe nguẩy. Theo lời họ nói thì đó là những con “giun sống” mà con trai mình nôn ra.
Ảnh minh họa
Theo lời người nhà, cậu bé đã có triệu chứng buồn nôn và nôn mửa cả tháng trời. Vài ba ngày lại nôn ra giun sống, mỗi lần nôn ra khoảng 1 tới 5 con. Thế nhưng cậu bé lại không sốt, cũng không tiêu chảy, cũng gần như không có cảm giác đau rõ ràng ở bụng.
Gia đình hoảng loạn, đưa con đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân. Mãi tới khi tìm đến Bệnh viện Phụ sản và Nhi Dương Châu (Giang Tô, Trung Quốc) sự thật mới dần được hé mở. Bác sĩ tại bệnh viện này nhận thấy đây là ca bệnh hiếm gặp và phức tạp, nhanh chóng liên hệ các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Đại học Tô Châu và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh quận Hán Giang để tổ chức hội chẩn khẩn cấp.
Kết quả chỉ ra cậu bé bị nhiễm ấu trùng muỗi. Thứ cậu bé nôn ra không phải giun sống mà chính là loại ký sinh trùng này. Khi biết nguyên nhân, cha mẹ cậu bé đều hối hận, không ngừng tự trách mình.
Cảnh giác với ấu trùng muỗi ngay trong nhà bạn!
Ấu trùng muỗi là một loại ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa trong điều kiện môi trường sống mất vệ sinh. Bác sĩ Trương cho biết, trường hợp của cậu bé là do gia đình thường xuyên trữ nước, lại thường mở nắp cống trong phòng tắm. Khi thấy rất nhiều muỗi và ký sinh trùng lạ cũng vẫn chủ quan.
Theo chuyên gia dịch tễ Dương Châu (Giang Tô, Trung Quốc), môi trường ẩm thấp, bẩn như cống rãnh, chậu rửa hay phòng tắm là nơi lý tưởng để muỗi sinh sản. Trứng của chúng có thể nở thành ấu trùng chỉ sau 48 giờ, sống nhờ vi khuẩn và chất hữu cơ phân hủy trong nước thải trong khi rất khó phát hiện bằng mắt thường.
Ảnh minh họa
Nếu không vệ sinh kỹ, ấu trùng có thể theo nước hoặc thực phẩm nhiễm bẩn xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa. Khi vào trong, chúng gây kích ứng đường ruột, dẫn tới buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị nôn ra ngoài như trường hợp cậu bé nói trên.
5 cách phòng tránh nhiễm ấu trùng muỗi ngay tại nhà
Dù hiếm gặp nhưng ca bệnh của cậu bé là cảnh báo rõ ràng về nguy cơ từ môi trường sống thiếu vệ sinh – thứ mà nhiều gia đình vẫn chủ quan bỏ qua. Thông qua trường hợp này, bác sĩ Trương và các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh khuyến cáo phòng tránh nhiễm ấu trùng như sau:
– Giữ khô thoáng và sạch sẽ nhà tắm, nhà bếp: Không để nước tù đọng trong chậu, sàn, cống thoát nước. Cọ rửa định kỳ để loại bỏ mảng bám hữu cơ.
– Đậy kín lỗ thoát nước khi không sử dụng: Ngăn côn trùng sinh sản và phát tán trứng vào nhà.
– Lắp ống thoát sàn có nắp khử mùi và chống côn trùng: Đây là cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để ngăn trứng, ấu trùng và cả muỗi trưởng thành xâm nhập.
Ảnh minh họa
– Không ăn uống ở khu vực gần nguồn nước bẩn: Tránh vô tình đưa ấu trùng vào cơ thể qua đường tiêu hóa.
– Phun thuốc diệt côn trùng an toàn định kỳ: Ưu tiên các sản phẩm ít độc, phun vào các khu vực ẩm thấp hoặc khó vệ sinh bằng tay.
Ngoài ra, khi thấy bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu bất thường – đặc biệt là trẻ em, nên nhanh chóng tới cơ sở y tế thay vì chủ quan, tự xử lý.
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/kinh-hoang-be-trai-8-tuoi-thuong-xuyen-non-ra-giun-song-thu-pham-la-1-thu-quen-mat-ngay-trong-nha-rat-nhieu-nguoi-a545075.html