Bảo hiểm xe máy thu 431 tỷ, bồi thường gần 42 tỷ: Bộ nêu lý do vẫn bắt buộc mua
Theo Bộ Tài chính, mô tô, xe máy vẫn là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam; thời gian tới sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo báo Vietnamnet ngày 18/1/2025 có đưa tin: “Bảo hiểm xe máy thu 431 tỷ, bồi thường gần 42 tỷ: Bộ nêu lý do vẫn bắt buộc mua”. Nội dung như sau:
Cử tri nhiều địa phương đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm đối với xe hai bánh theo hướng chuyển sang hình thức tự nguyện, không ép buộc, để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Vì trên thực tế, khi xảy ra tai nạn, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục bảo hiểm, bị công ty bảo hiểm nhũng nhiễu, đưa hàng loạt thủ tục rườm rà, dẫn đến khó được chi trả.

Trả lời vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính thông tin: Trên thế giới hiện nay, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy. Thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, bao gồm cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước ASEAN…
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988 theo Nghị định số 30-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
“Hiện nay, mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu, và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48%. Thế nhưng 6 tháng đầu năm 2024, cả nước chỉ có khoảng 6,5 triệu xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chiếm khoảng 9% số lượng xe lưu hành (tổng số xe máy tại Việt Nam khoảng 72 triệu chiếc)”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo số liệu do các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, Bộ Tài chính cho hay: 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy đạt hơn 431,78 tỷ đồng, chi bồi thường là 41,9 tỷ đồng, dự phòng bồi thường là 35,86 tỷ đồng. Các khoản chi trên chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng… cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh trong thời gian tới.
Với mức phí bảo hiểm 55.000 đồng hoặc 60.000 đồng, khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng, bảo hiểm sẽ chi trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn; về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Nghị định số 67/2023/NĐ-CP ngày 6/9/2023 của Chính phủ đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Bên cạnh đó, Theo Thương Hiệu và Pháp Luật cùng ngày cũng có bải viết với tiêu đề: “Bắt đầu từ tháng 2/2025: Người dân mua Bảo hiểm xe máy tự nguyện 15.000 đồng sẽ không cần mua Bảo hiểm bắt buộc?”. Nội dung như sau:
Hiện nay, nhiều người quan tâm đến câu hỏi: “Liệu việc mua bảo hiểm xe máy tự nguyện giá 15.000đ có thể thay thế cho bảo hiểm xe máy bắt buộc hay không?” Thông tin này đã thu hút rất nhiều sự chú ý, đặc biệt khi quy định về bảo hiểm bắt buộc đã được thảo luận rõ rỗ.
Tháng 2/2025: Người dân mua Bảo hiểm xe máy tự nguyện 15.000đ sẽ không cần mua BH bắt buộc nữa, đúng không? (Ảnh minh hoạ)
Quy định hiện hành về bảo hiểm xe máy
Theo quy định của pháp luật, người dân khi tham gia giao thông bằng xe máy bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba (thường gọi là BHXM bắt buộc). Loại bảo hiểm này có mức phí khoảng 66.000đ/năm và bảo đảm quyền lợi cho các bên khi xảy ra tai nạn giao thông.
Trong khi đó, bảo hiểm xe máy tự nguyện chỉ là một loại bảo hiểm bổ sung, không thay thế được cho BHXM bắt buộc. Mục phí của bảo hiểm tự nguyện thường dao động từ 10.000đ đến 30.000đ/năm, tùy theo gói bảo hiểm và mức bồi thường.
Mua bảo hiểm xe máy tự nguyện 15.000đ có được công nhận không?
Câu trả lời là: KHÔNG. Bảo hiểm xe máy tự nguyện chỉ là hình thức bảo hiểm tùy chọn, không có giá trị thay thế cho bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Nếu bạn chỉ mua bảo hiểm tự nguyện mà không mua BHXM bắt buộc, bạn vẫn bị phạt khi có kiểm tra giao thông.
(Ảnh minh hoạ)
Mức phạt mới nhất khi không có bảo hiểm xe máy
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định xử phạt hành chính đối với lỗi không có hoặc không mang theo bảo hiểm xe máy bắt buộc.
Theo Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 18 của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt dành cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc còn hiệu lực sẽ tăng lên từ 200.000 – 300.000 đồng. So với mức phạt hiện hành từ 100.000 – 200.000 đồng (theo Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021).
Ngoài ra, người điều khiển xe máy chuyên dùng không có bảo hiểm xe máy 2025 sẽ bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (Khoản 1 Điều 19 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Mức phạt đối với các phương tiện khác như ô tô, vẫn giữ nguyên. Người điều khiển ô tô không có hoặc không mang theo bảo hiểm bắt buộc sẽ chịu mức phạt từ 400.000 – 600.000 đồng, đảm bảo tính nhất quán với các quy định trước đó.
Lợi ích khi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc
Bảo vệ quyền lợi tài chính: Trong trường hợp xảy ra tai nạn, bảo hiểm bắt buộc sẽ giúp đại diện bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba, giảm gánh nặng tài chính cho người điều khiển xe.
Tuân thủ pháp luật: Giúp tránh bị phạt khi tham gia giao thông.
Tăng tính an tâm: Khi có bảo hiểm, người sử dụng xe máy sẽ có tâm lý thoải mái hơn khi làm chủ thủ trách nhiệm giao thông.
Việc mua bảo hiểm xe máy tự nguyện giá 15.000đ tuy mang lại một số quyền lợi nhất định, nhưng không thay thế được bảo hiểm xe máy bắt buộc. Để tránh bị phạt và bảo đảm quyền lợi cho bản thân và các bên liên quan, hãy đảm bảo bạn luôn mang theo BHXM bắt buộc khi tham gia giao thông.