/**/

Bố khoe điểm tổng kết con 9 phẩy, xếp hạng thứ 18 mà còn về buồn xo, không màng ăn uống

Chủ đề nóng nhất những ngày này của các phụ huynh không ngoài chuyện khoe điểm tổng kết của các con.

Nhà chồng tôi có truyền thống “trọng sự học”. Các con, cháu trong nhà đều được khích lệ chăm lo học hành, đạt điểm giỏi, lọt top đầu.

Cứ tới hè, các cháu được về quê nội chơi thì câu được hỏi thăm tới tấp nhất vẫn là “Cháu thi được mấy con 10?”, “Con được học sinh xuất sắc không?”, “Cháu được bao nhiêu giấy khen, phần thưởng? Xếp hạng mấy trong lớp?”…

hình ảnh

Bảng điểm của học sinh Minh Thuận (học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trung Trực) từng gây xôn xao năm 2020. Lý đằng sau thứ hạng 38 là do… giáo viên chưa xếp hạnh kiểm. Ảnh: toquoc

Những năm đầu cấp một, con tôi bé, còn hào hứng khoe đứng thứ 3, thứ 4 của lớp chứ mấy năm nay, khi đã lên cấp 2, cứ hễ bố bàn đến kế hoạch về nội chơi hè ít tuần là tụi nhỏ lại nhăn nhó, tỏ ý không muốn về. Thằng bé thì bảo “chán ơi là chán, đi tới đâu, đến thăm nhà ai cũng hỏi bao nhiêu phẩy, mấy phết”. Còn con chị thì dứt khoát không chịu về, bảo “ở thành phố học ngày học đêm đã muốn nổ não, về quê còn phải nghe so đo con nhà này nhiêu điểm, đứng top mấy, con nhà kia sao học bết bát, chẳng bằng anh bằng em.”

Một phần do các con tôi nhạy cảm chăng? Nhưng về phần mình, tôi quá hiểu những gì các con cảm nhận nên tùy các con quyết định chuyện nghỉ hè ở đâu và nghỉ theo cách nào chứ không ép uổng.

Không biết chỗ các bác thấy sao chứ ở quê tôi, các bác, các chú cứ thẳng toẹt mà so đo. Nhiều lúc người lớn các gia đình còn vì chuyện này mà tị nạnh nhau từng chút một, thậm chí còn quay ra hờn nhau.

Mới hôm rồi, tôi nghe chị chồng kể, anh K., anh lớn chồng tôi khoe: “Bé T. tổng kết được 9 phẩy mà chỉ được xếp thứ 18 trong lớp. Nó về nhà mặt buồn xo, không màng ăn uống. Thế mà thằng H. nhà P. được 8,5 đã được xếp thứ 2 của lớp. Thế có trớ trêu không?”

Nhà P. cũng lại là một anh họ khác bên chồng tôi. Khi nghe được những lời này từ anh K., anh P. nghĩ anh K. có ý cà khịa con mình học kém hơn bé T. nên nhất định không chịu nhịn mà đôi co tới cùng. Cuối cùng, cả hai gia đình, anh em họ hàng với nhau lời qua tiếng lại, quay ra giận nhau, mấy hôm không thèm nhìn mặt hay hỏi han nhau nữa.

Đó là còn chưa kể cả chuyện nhà thì chọn cách khoe cả bảng điểm, bằng khen, giấy khen, phần thưởng của con lên facebook. Nhà lại không trưng trổ lên bất cứ thứ gì. Hai bên, mỗi bên mỗi lý. Bên chọn cách khoe thì bảo con mình giỏi, mình có quyền hãnh diện, chỉ có không có gì tự hào mới chẳng có cái mà khoe. Còn bên chọn cách giữ kín lại ra điều lo lắng, dặn dò bên khoe đừng quá lộ liễu, thông tin các con đều ghi rõ ra đó, nhỡ ai có ý xấu thì khổ. Chuyện cũng chỉ có nhiêu đó thôi, ấy thế mà lại sinh ra mặt nặng mày nhẹ với nhau.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Học sinh xuất sắc, bằng khen, phần thưởng là chuyện đáng ăn mừng của cả nhà là vậy, mà nay lại thành ra chuyện không vui. Chung quy lại, bất hòa cũng xoay quanh chỉ mỗi điểm tổng kết của con và lựa chọn của bố mẹ.

Nghĩ thoáng ra, khoe điểm con trên mạng xã hội chưa hẳn hoàn toàn không tốt. Chỉ khi đứa trẻ cảm thấy đó là áp lực đè nặng và chống đối bằng nhiều cách thì đó mới là chuyện đáng bàn. Hoặc khoe lộ liễu đến nỗi để lộ tất tần tật thông tin cá nhân của con thì phải suy nghĩ lại. Còn nếu đứa trẻ vì để làm cho bố mẹ vui, hãnh diện mà nỗ lực phấn đấu học tập giỏi hơn thì khó có thể xem đó là chuyện không tốt. Một số ít, bố mẹ mở lớp dạy kèm này nọ, có con học giỏi để khoe cũng là một cách để PR có lợi không chừng. Nhưng nếu vì khoe con mình mà hạ bệ con người khác thì thật không đáng.

Cuối tuần rồi, tôi có dự sinh nhật của một người bạn. Lại là câu chuyện điểm tổng kết của mấy đứa nhỏ, một anh khoe con mình đứng nhất lớp, một anh khác, có thể là bạn hoặc người quen biết nên “bóc” ngược lại: “Nhất lớp ở trường D. dễ lắm. Chứ ở trường A. con tôi, đứng được nhất lớp cũng phải gọi là nhất luôn mấy trường khác. Vậy mà năm nay cũng xếp được vào top 5.”

Tôi được biết, trường A. là một trường cấp 3 không tiếng tăm lắm của quận. Còn trường B. là trường điểm cấp 3 của quận. Có thể mang danh học trường A., chỉ cần đạt học sinh giỏi thôi đã rất hãnh diện rồi. Nhưng nếu nỗ lực của một học sinh ở trường D. để được đứng đầu lớp thì đâu có dễ dàng gì. Càng không phải là chuyện để phụ huynh đem ra phân tích, so sánh chỉ cố chứng minh cho người khác thấy “con tôi giỏi hơn con người khác” hoặc “con tôi điểm như thế mới là giỏi thật”.

Ngồi với nhau, phụ huynh còn dùng điểm số của con để được “nở mặt” theo cách đó thì việc khoe điểm và thành tích của con lên mạng xã hội lại càng nhiêu khê.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Suy cho cùng, việc khoe điểm con cách công khai trên mạng xã hội hay giữa một đám đông hóng chuyện cần phải xem có xuất phát từ chỗ “vì con” không, hay lại “vì cha mẹ” và để thỏa mãn sự khoa trương của cha mẹ?

Đáng buồn hơn nữa là thói so sánh những đứa trẻ với nhau của những phụ huynh vốn chỉ muốn được người khác tôn mình lên.

Trong thời đại Internet bùng nổ, nhiều hành vi “khoe khoang” phần lớn bắt nguồn từ mạng xã hội và được mạng xã hội phóng đại lên.

Nghìn cái like, trăm bình luận của mỗi người trên trang cá nhân của ai đó mang lại một giá trị tự mãn, khuyến khích người dùng tiếp tục phô trương nhiều hơn những gì mình có. Càng nhận được nhiều like và lời khen ngợi từ bình luận lại càng cảm thấy thỏa mãn. Còn khi không được like, bình luận như ý lại cảm thấy hụt hẫng, chán chường. Hoặc chỉ cần qua dòng trạng thái nhà người khác, thấy họ có gì hơn mình thì tự sinh ra buồn bực, hậm hực trong lòng.

Cơ bản, mạng xã hội thỏa mãn cho ham muốn được người khác ngưỡng mộ của mỗi người.

Nhiều cha mẹ không lường được hào quang chóng vánh của mạng xã hội mà đang để mình bị cuốn vào đó. Không ít phụ huynh không chịu nhìn vào thực lực và nỗ lực của con mình qua từng giai đoạn học tập và trưởng thành mà lại nhìn vào bảng điểm, bằng khen của “con người khác” được khoe tràn lan trên mạng xã hội để tự thấy thất vọng, không vui, chán nản và trút hết những u uất nặng nề lên chính con của mình. Ngược lại, cũng lắm cha mẹ mặc sức khoe con trên mạng xã hội mà không hề nhận ra thực chất niềm kiêu hãnh họ có được chỉ “mua vui” cho chính họ.

Có câu “Đừng so sánh bên trong bạn với bên ngoài của người khác”. Mặc dù quen với nếp sống trên mạng xã hội, câu nói này có vẻ rất vô lý vì khó thực hiện nhưng là bậc phụ huynh, thiết nghĩ đây là một lời nhắc nhở tinh tế để chính cha mẹ, phải dũng cảm nhìn nhận đúng về tham vọng của mình và năng lực của con cái mà thoát khỏi những ảo vọng dễ vỡ.

Nguồn: https://www.webtretho.com/f/goc-lam-me/bo-khoe-diem-tong-ket-con-9-phay-xep-hang-thu-18-ma-con-ve-buon-xo-khong-mang-an-uong