Cách cho trẻ đi học mầm non không khóc, mến cô và nhanh hòa nhập
Trong bài viết, cha mẹ sẽ hiểu tâm lý của trẻ khi con đến trường; đồng thời, biết cách giúp trẻ đi học không khóc.
Trẻ mầm non khóc khản cổ vì đòi mẹ
Nhớ lại: Phải mất một tuần đầu, vợ chồng chị Tống Ngọc Hằng (Tổ 1, phường Phúc Đồng) đi làm luôn trong tình trạng thấp thỏm vì lo lắng cho cậu con trai 2 tuổi, vừa bắt đầu “chân ướt chân ráo” vào mầm non. Bao nhiêu ngày đến trường là bấy nhiều ngày cậu bé khản cổ vì khóc đòi bố mẹ.
Chị Hằng than thở: “Bé nhà tôi nhát lắm. Cháu ít khi tiếp xúc với người lạ, chỉ loanh quanh ở nhà với bà nội và bố mẹ. Biết con nhát nên trước khi cho con đi mẫu giáo, vợ chồng tôi cũng đã cho cháu đi thăm quan nhiều trường mầm non quanh khu vực, cho con chơi tại các khu vui chơi, chỗ đông người để làm quen”.
Tuy nhiên, chị Hằng cho hay, ngay khi “bàn giao” con cho cô giáo, con òa khóc tìm mẹ. Chị đứng nấp cách đó khá xa nhưng vẫn nghe rõ tiếng con khóc. Dù được các cô giáo dỗ dành, cho đồ chơi hay dẫn ra xem bể cá cảnh của lớp nhưng con vẫn không chịu. Tiếng khóc như thét lên khiến chị cũng nức nở theo và tưởng chừng không còn đứng vững. “Lúc đó tôi chỉ muốn chạy lại và ôm con. Chứ cứ khóc mãi như thế thì khản cổ mất, chịu sao nổi. Nhưng mọi người trong gia đình đã dặn, dù con có khóc thì mình cũng phải cố nhịn. Phải để con có cơ hội thích nghi với môi trường mới. Tôi đành gạt nước mắt ra về”.
Những ngày đầu đến trường luôn là nỗi “ám ảnh” đối với nhiều bạn nhỏ khi phải xa vòng tay của bố mẹ”
Cũng tương tự như gia đình chị Hằng, chị Tuyết (tổ 4, Phúc Đồng) đã phải xin nghỉ làm để chăm sóc cậu con trai “phát ốm” từ khi con đi mẫu giáo.
Chị kể, hôm đưa con tới trường, thấy mấy bạn trong lớp cũng đang nức nở, con bước lùi lại, túm vạt áo mẹ rồi nép ra phía sau. Khi cô giáo hỏi tên, con nhất định không chịu nói, chỉ úp mặt vào người mẹ. Hỏi đến câu thứ hai thì con òa khóc đòi về nhà. “Phải đấu tranh tư tưởng mãi tôi mới chạy khỏi căn phòng được. Cô giáo nói, cứ yên tâm, trẻ nào cũng sẽ khóc vì nhớ bố mẹ, rồi sẽ quen. Thế nhưng không xót sao được. Nghe con khóc gọi mẹ mà tôi như đứt từng khúc ruột”.
“Cả buổi sáng cứ bấn loạn, không làm được việc tý tý lại mở camera ngó con” chờ đến trưa tôi đến xem con thế nào. Vừa bước vào lớp, thấy con vẫn đang ngồi thút thít cạnh cô. Nhìn thấy mẹ, con chạy lại òa khóc, miệng gọi mẹ mà chẳng nghe rõ lời. Hai mắt con sưng húp, mũi cũng ửng đỏ lên. Tôi đành đưa con về, hẹn chiều con nguôi lại đưa con tới lớp”, chị Tuyết nói.
Phụ huynh trẻ mầm mất ăn mất ngủ vì lo cho con
Ngồi trong giờ làm việc, nhưng vợ chồng chị Hằng vẫn luôn dõi theo từng hành động cử chỉ của con qua hệ thống camera giám sát trong lớp học. “Trong khi các bạn chạy tung tăng múa theo nhạc thì con cứ nép mình, suốt ngày ôm chú cá sấu bên theo sát cô giáo. Cô dỗ sao cũng không chịu ra chơi với các bạn. Giờ nghỉ trưa con mệt mà vẫn khóc, cô vỗ về luôn tay nên ngủ lịm đi. Chiều tỉnh dậy lại khóc đòi về với bà nội, với bố mẹ. Nhìn con khóc nhiều, nấc đến mức trớ sữa, vợ chồng tôi như muốn “phi” ngay qua trường đón con”, chị Hằng nói.
Không những thế, bà nội cháu ở nhà cũng sốt ruột không kém, chốc chốc lại gọi điện hỏi vợ chồng chị “cập nhật” tình hình ra sao, cháu có khóc nhiều không, có ăn được gì không… Vừa làm việc vừa kiểm tra xem con thế nào rồi báo cáo lại với “cấp trên” ở nhà khiến chị lúc nào cũng trong tình trạng bận rộn.
Chị tâm sự: “Tôi chẳng còn thời gian chú tâm cho công việc nữa. Lúc nào cũng phải “canh” trước màn hình máy tính để quan sát con. Đi ăn mà tay cứ lăm lăm cái điện thoại để xem con ngủ hay chưa, còn khóc nữa không.
Còn chị Tuyết cho hay, sau hôm bị ép “cắp sách tới trường” bé nhà chị “lăn” ra ốm. Cháu ho nhiều kèm sốt cao, vợ chồng chị phải đưa ra bệnh viện đa khoa gần nhà khám và điều trị.
“Chắc do thay đổi giờ giấc sinh hoạt nên cháu chưa quen. Khi chưa đi học, cháu ngủ đến 8-9 giờ sáng mới chịu dậy. Cháu đi học mà như đi “đánh trận”. Ngủ gật trên đường tới trường, vào lớp vẫn trong trạng thái mắt nhắm mắt mở. Mới có 3 hôm mà nhìn con sút hẳn đi. Trước cháu ngủ ngoan lắm, ngủ một mạch từ tối tới sáng nhưng từ hôm đi học, đêm nào cháu cũng quấy. Mẹ ôm ngủ mà vẫn bị giật mình rồi tự dưng khóc thét lên. Cả đêm vỗ về, dỗ dành con khiến tôi cũng không sao chợp mắt được. Thấy tội cho con quá”, chị Tuyết nói.
Cách dỗ trẻ mầm non đi học không khóc
Theo chuyên gia tâm lý, việc trẻ thường xuyên khóc đòi bố mẹ là do chưa thích nghi được với môi trường mới nên lạ lẫm, sợ hãi là điều không tránh khỏi. Đối với những trẻ dễ thích nghi, quá trình làm quen chỉ mất từ 1-3 ngày. Với những trẻ ít tiếp xúc với người lạ, thời gian hòa nhập cộng đồng sẽ lâu hơn. Thời gian làm quen dài hay ngắn tùy thuộc vào mức độ sợ đám đông của mỗi trẻ, cách chăm sóc của thầy cô tại lớp và sự động viên từ phía gia đình.
Chuyên gia tâm lý khuyến cáo, để tránh trường hợp trẻ quá lạ lẫm với môi trường mới, các bậc phụ huynh phải cho trẻ làm quen với những nơi đông người càng sớm càng tốt. Việc đưa trẻ đến các khu vui chơi của trường hoặc đứng từ ngoài quan sát các bạn tham gia hoạt động tập thể sẽ góp phần tạo hứng thú cho trẻ trước khi đến lớp.
Bố mẹ nên kể cho trẻ nghe những mẩu truyện hoặc cho trẻ xem đoạn video ngắn về các hoạt động bé có thể tham gia khi đến trường. Điều này sẽ giúp trẻ không quá bỡ ngỡ như đang “lạc” vào thế giới khác.
Bố mẹ cũng không được quá mủi lòng. Ngày đầu đưa trẻ tới trường cần chào nhanh gọn, tránh dặn dò quá dài vì nó sẽ khiến trẻ tủi thân và bật khóc ngay lúc đó.
Cố gắng động viên, vỗ về trẻ sau mỗi buổi đến trường. Nếu trẻ có thể kể lại các hoạt động diễn ra tại lớp thì sẽ sớm làm quen và hòa nhập với môi trường mới.
Cách dỗ trẻ mầm non đi học không khóc
Bạn sẽ làm gì để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn của ngày đầu đến lớp? Chuyên gia tâm lý chia sẻ cùng các mẹ một vài kinh nghiệm xương máu khi cho con đi nhà trẻ. Hy vọng sẽ giúp các mẹ có một chút kinh nghiệm để đối phó với những khó khăn trong những ngày đầu con đi nhà trẻ.
Con đi học mầm non 2 tháng vẫn khóc?
Hầu hết các bé thời gian đầu đều không thích đi học. Theo quan sát của mình thì các bé sẽ khóc khoảng 2 tuần đầu tiên khi tới lớp. Từ tuần thứ 3 trở đi, các bé sẽ quen dần với môi trường mới và sẽ chịu hợp tác hơn.
Tuy nhiên, có một số bé vẫn khóc dù đã đi học được 3 tuần, thậm chí 1 tháng. Đặc biệt hơn, có những bé dù đã đi được 2, 3 thậm chí 5 tháng nhưng vẫn khóc khi được bố mẹ cho đến lớp và khóc rất nhiều khi vào lớp. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau con lại ngoan, chịu chơi với các bạn và khi được đón về thì lại rất vui vẻ, hào hứng thậm chí còn không chịu về nữa.
Con trai mình thuộc vào loại này. Dù đã đi lớp được 2 tháng nhưng sáng nào khi đưa con đi học đối với mình cũng là một cực hình vì cu cậu khóc lóc, mè nheo, ỉ ôi đủ thứ khiến mẹ stress nặng nề. Tuy nhiên, bằng việc áp dụng một số phương pháp sau đây, tình trạng này đã thuyên giảm đáng kể.
Mượn đồ chơi ở lớp để mang về nhà
“Con không đi học đâu, ở nhà cơ” là câu cửa miệng của cậu con trai 2 tuổi của mình mỗi khi thức dậy vào buổi sáng. Dù trước đó mình đã thử nhiều cách từ mềm mỏng, cứng rắn, rồi nửa mềm mỏng, nửa cứng rắn, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả gì. Con vẫn khóc thậm chí còn gào rất to khi chuyển từ tay mẹ sang tay cô.
Mẹ vẫn phải gạt nước mắt bước đi không do dự. Nhưng đến chiều, khi được mẹ đón về bé lại rất vui vẻ, có khi còn bảo mẹ về đi, con ở đây thôi!
Thế rồi mình dùng cách này: Lợi dụng tâm lý thoải mái, dễ chịu của con khi mẹ đón vào buổi chiều để cả hai mẹ còn cùng trò chuyện. Cùng với con nán lại lớp học một chút, cho con chơi tự do cùng với cô, các bạn ở trường và những trò chơi: ú oà, xếp hình…ở lớp học. Trong quá trình con chơi, mẹ tranh thủ để trò chuyện với cô giáo trực tiếp trông nom và dạy con học để tìm hiểu về những hoạt động trong ngày của con.
Nếu con không muốn về mà vẫn còn mải mê với những đồ chơi còn dang dở ở lớp thì hãy nói với con rằng: Mẹ sẽ nói với cô giáo cho con mượn một thứ đồ chơi để mang về nhà và sáng ngày mai khi đi học, con phải mang thứ đồ chơi đó ra trả cho cô nhé! Hãy nói điều này khi có bé, bạn và cô cùng ở đó. Tất nhiên, là con của bạn sẽ rất vui mừng vì bé đang chơi những đồ chơi đó rất say sưa mà.
Sáng ngày hôm sau, trước khi đến lớp, nếu con vẫn còn khóc, bạn hãy đưa thoả thuận từ hôm trước này để nói với bé: Hôm qua con đã hứa với cô và mẹ là sáng nay phải mang bóng ra trả cho cô rồi mà. Con đã mượn để mang về chơi còn gì? Con có nhớ không? Vì vậy, bây giờ con nên đến lớp để trả đồ chơi cho cô chứ? Bé sẽ nhớ lại giao ước từ chiều qua giữa mẹ, cô và bé để ngoan ngoan tới lớp trả đồ cho cô.
Mang đồ chơi con yêu thích ở nhà tới lớp
Những ngày đầu tiên đi học, con sẽ có cảm giác như là bị mẹ bỏ rơi ở trường vậy. Dù rằng, cô có quan tâm, bạn bè có hoà đồng nhưng những điều đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì vì với con, đó là những người hoàn toàn xa lạ. Mẹ hãy mang một chú thú nhồi bông xinh xắn, một chiếc gối ôm có hình con vật, một bình nước uống mà ở nhà mỗi khi con khát là lại chạy tới lấy, hay thậm chí là một chiếc khăn con yêu thích hay mang theo bên người…
Bất cứ thứ đồ vật hoặc đồ chơi nào con yêu thích dùng ở nhà đều có thể khiến con cảm thấy có chút gì đó an tâm, thân thuộc hơn trong những ngày này.
Con không đến lớp, bạn sẽ buồn đó!
Nếu con đã đi lớp được một thời gian, hẳn con đã có người bạn có thể chưa được gọi là thân nhưng là người bạn mà con hay chơi cùng nhất ở lớp. Trên thực tế thì những bé 2 tuổi có khả năng nhớ tên và chơi cùng với một số bạn trong lớp của mình.
Con trai mình khi đi lớp được khoảng hơn 1 tháng là có thể kể khá rành rọt ở lớp có bạn Mit, bạn Hà Anh, bạn Hiền, bạn Thuỳ Linh… Và thường xuyên kể chuyện về các bạn cho mẹ nghe.
Các mẹ nên tìm hiểu xem, ở lớp con quý bạn nào nhất, con thích chơi với bạn nào nhất để những khi con không muốn đi học mẹ có thể dùng đến “chiêu” này: Mẹ nói với con rằng, nếu hôm nay con không đi lớp, vắng con bạn Mít (chẳng hạn) sẽ buồn đó.
Thực sự thì “chiêu” này không chỉ hiệu quả đối với mình mà còn tỏ ra khá hiệu quả đối với một số mẹ khác. Các con sau khi nghe thấy mẹ nói vậy thường hăng hái và tích cực hẳn lên trong việc đến trường.
Con không đi học, vậy con ở nhà một mình nhé!
Bạn cũng có thể nói với con rằng: Bây giờ, bố và mẹ phải đi làm, nếu con không muốn đến trường vậy thì được rồi, con ở nhà một mình nhé! Bé có thể sẽ gật “cái rụp”, nhưng sau cái gật ấy khi thấy bố mẹ bước đi bé sẽ hiểu chuyện và ngoan ngoãn leo lên xe để đến trường.
Tuy nhiên, không hẳn là bé nào cũng chịu khó hợp tác như vậy. Trong trường hợp bé bướng bỉnh hơn thì tuyệt đối bạn cũng không nên la mắng hay quát nạt con vì điều này chỉ như “đổ dầu vào lửa”. Nó không những làm cho bé thôi khóc mà còn khiến bé trở nên lì lợm và có tâm lý chống đối hơn.
Trò chuyện và kể chuyện cho con nghe trước khi đi ngủ
Buổi tối, trước khi đi ngủ, mẹ hãy dành ra một khoảng thời gian để hai mẹ con cùng trò chuyện với nhau. Hãy hỏi: Hôm nay con đi học có vui không? Hỏi con về các bạn, về cô giáo, về các hoạt động mà con làm trong ngày ở lớp.
Nếu bé không trả lời được cũng đừng vội buồn hay nản mà hãy xem đó là một cách để hai mẹ con tâm sự, trò chuyện giúp con đến gần hơn với trường học. Hãy cùng với con hát những bài hát về trường, về cô giáo… Mua cho con những cuốn chuyện có chủ đề xoay quanh những nội dung trên.
Mục đích là tạo ra niềm vui, sự gần gũi, hứng thú cho con đối với việc đi học. Đây là một biện pháp đòi hỏi bạn phải kiên trì thực hiện từng chút một. Sau một khoảng thời gian mới thấy được kết quả.
Xem xét lại thật kỹ về cô giáo, trường học
Ngày nay, có hơn một sự lựa chọn nếu không muốn nói là rất nhiều cho các mẹ về việc chọn trường cho con. Nếu bạn đã xem xét kỹ lưỡng về giáo viên, về điều kiện trường lớp, cùng với việc áp dụng rất nhiều cách khác nhau mà con bạn vẫn không ngoan khi đi học thì hãy suy nghĩ thêm về trường học, giáo viên của con nhé.
Hãy nhờ cô quan tâm đến con nhiều hơn một chút, cùng trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với cô về những vấn đề liên quan để tìm ra phương pháp tốt nhất giúp con hoà nhập tốt.
Trên thực tế, có nhiều bà mẹ cho rằng: Con họ ngoan hơn hẳn và không còn khóc nữa khi được chuyển sang trường khác. Tuy nhiên, nếu có chuyển trường cho con bạn cũng nên làm thật kỹ khâu làm quen ban đầu của con với trường lớp và cô giáo.
Các chuyên gia khuyên rằng: Cha mẹ cần làm thật kỹ khâu chuẩn bị bằng cách trước khi đi học nên cho con đến lớp chơi trước để bé làm quen dần với cô, các bạn và không khí trường học. Những ngày đầu khi đi học, cha mẹ nên đến lớp cùng với con, đón con sớm hơn trước khi cho con học bán trú.
Lời kết cách dỗ trẻ mầm non đi học không khóc
Phải xa vòng tay của những người thân yêu để đến một môi trường hoàn toàn mới, chuyện bé hụt hẫng, lo lắng thậm chí sợ hãi là điều khó tránh khỏi. Hãy thật kiên nhẫn, luôn ở bên động viên, khuyến khích với tất cả tình yêu thương và sự thông thái của bạn. Con chắc chắn sẽ nhận ra: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.