Dạy con: Đừng đánh mắng, đây mới là 5 cách phạt con khoa học giúp trẻ ngoan ngoãn, thông minh
Khi con trẻ phạm lỗi, hầu hết các bà mẹ đều rất dễ nổi nóng dẫn đến việc trách mắng nặng lời hoặc lỡ tay đánh con. Đây là một phương pháp răn dạy con thật sự sai lầm.
Đa số chị em sẽ nghĩ rằng, đánh mắng con là chuyện vô cùng bình thường vì “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tuy nhiên, phạt con bằng cách đánh mắng lại là một trong những cách dạy dỗ trẻ vô cùng sai lầm.
Trong một số trường hợp, điều này có thể khiến bé bị tổn thương tâm lý nặng nề và gây ra những hậu quả khó lường.
Phạt con sai cách, cụ thể là quá lạm dụng việc đánh mắng trẻ sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu làm tác động đến nhân cách và quá trình trưởng thành của con sau này. Nhiều bà mẹ quan niệm rằng, trẻ được chiều quá sẽ hư nên có phần quá cứng nhắc và nghiêm khắc khi dạy dỗ con cái.
Hầu hết những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ mắng chửi, đánh đập nặng nề đều có xu hướng rất bạo lực về sau. Con lớn lên dễ nóng tính, thích gây gổ với người khác và thích giải quyết mọi chuyện bằng “nắm đấm” hơn là sự ôn hòa.
Họ sẵn sàng bất chấp tất cả để trừng phạt thân thể trẻ như đánh, nhéo, tát, nhốt,… hoặc cả đe dọa khiến con sợ hãi về mọi mặt. Mặc dù một số bậc phụ huynh trong số này cũng hết mực yêu thương và lo lắng cho con cái của mình, nhưng chính cách dạy con, phạt con của họ có thể đẩy trẻ đến một “ngõ cụt” về tính cách.
Điều này hoàn toàn không tốt cho cuộc sống tương lai của trẻ. Bên cạnh những trường hợp này, số còn lại sẽ rơi vào tình cảnh luôn cảm thấy tự ti, nhút nhát, hay e dè, sợ sệt cũng như mất hết niềm tin vì nghĩ cha mẹ không hề yêu thương hay ủng hộ mình.
Nếu muốn răn đe con bằng những cách khoa học, vừa nhẹ nhàng giúp con hiểu được lỗi sai, vừa không làm tổn thương tinh thần của con trẻ, mẹ có thể tham khảo và áp dụng một trong những cách dưới đây:
Phạt làm việc nhà
Hình phạt này phù hợp khi con mắc phải những lỗi như bày bừa đồ chơi mà không dọn, vẽ bậy lên tường, không ngăn nắp, cẩn thận. Để bé làm việc nhà, mẹ sẽ giúp bé hiểu được giá trị của ý thức trách nhiệm. Không những thế, hình phạt này còn rất hữu ích vì sẽ rèn luyện cho con khả năng làm việc nhà, phụ giúp cha mẹ.
Phạt đứng im một chỗ
Khi con không nghe lời, chống đối hoặc cãi nhau, đánh nhau với bạn. Phạt con đứng im một chỗ, khoanh tay úp mặt vào tường tưởng chừng như quá đơn giản lại là phương pháp vô cùng hiệu quả.
Khi bắt con đứng một mình, mẹ hãy nhắc nhở con suy nghĩ lại những hành động vừa qua của bản thân để nhận ra lỗi sai và rút kinh nghiệm. Chính khoảng thời gian này sẽ giúp con bình tĩnh lại, hãy cho trẻ đứng khoảng 10 – 20 phút tùy độ tuổi của bé.
Phạt không được nói chuyện trong một khoảng thời gian
Nếu con mắc lỗi nói hỗn, nói leo, nói xấu bạn, thô lỗ, quát mắng, khinh thường người khác… Mẹ có thể thử áp dụng hình phạt “cấm khẩu” con trong một khoảng thời gian nhất định.
Hãy giúp con hiểu ra việc nói và nói đúng lúc, đúng cách là quan trọng đến thế nào. Bé sẽ nhanh chóng nhận ra ý nghĩa của việc sử dụng ngôn từ và cố gắng sửa sai, nhận lỗi trong những lần sau.
Cấm làm những điều con thích
Đây có thể là một trong những hình phạt khiến trẻ sợ hãi nhất vì chắc hẳn đứa trẻ nào cũng chỉ muốn làm những thứ mình thích.
Khi trẻ phạm lỗi và không nghe lời cha mẹ, hãy cấm trẻ thực hiện những điều mình thích trong một khoảng thời gian nhất định để con có thể hiểu ra rằng, khi con không làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình, con chắc chắn cũng sẽ không được tự do làm tất cả những gì con mong muốn.
Phạt đọc sách, vẽ tranh
Nếu con có những hành vi như phá hoại, tranh cãi, đánh nhau, ăn hiếp bạn khác, mẹ hãy bắt con đọc sách, chép phạt hoặc vẽ tranh. Đây có thể là một phương pháp giáo dục con phát triển nhân cách tốt. Hãy yêu cầu bé đọc hết một cuốn sách với những bài học hay dạy trẻ cách sống tốt nên người. Hình phạt này giúp điều chỉnh tâm lý và hỗ trợ đắc lực cho bé nhận ra nhiều điều đúng đắn trong cuộc sống.
Nguồn: https://guu.vn/diem-tin/dung-danh-mang-day-moi-la-5-cach-phat-con-khoa-hoc-giup-tre-ngoan-ngoan-thong-minh-vuot-troi-5c1f297f8d7ee7dc8cef1e2a.html