Cha mẹ à, thay vì ‘nhồi’ con ăn hãy ‘nhồi’ con chơi

Hãy ‘nhồi’ con chơi, đừng ‘nhồi’ con ăn vì dung tích dạ dày của trẻ chỉ bằng đúng nắm bàn tay của đứa trẻ ấy.

Chúng ta vẫn thường nghe các bậc phụ huynh phàn nàn, than vãn rằng con họ lười ăn quá, kén ăn quá, không bao giờ ăn hết món đã dọn ra. Nhưng khi quan sát những em bé ấy thì thấy các em không có dấu hiệu gì của việc bị suy dinh dưỡng, thậm chí có em còn trông nặng hơn so với tuổi và chiều cao.

To không đồng nghĩa với khỏe. (Ảnh: Kiến thức)

Trong quan niệm của số đông, những em bé bụ bẫm, má phính, tay chân có ngấn là những em bé không những đáng yêu mà còn rất khỏe mạnh. Nhiều người đánh đồng hai khái niệm cân nặng và sức khỏe. Nghĩa là em bé càng nặng thì càng khỏe khoắn. Với tâm lý như vậy, rất nhiều bố mẹ Việt “nhồi” con ăn như “nhồi vịt”, chuẩn bị khẩu phần ăn cho trẻ giống như người lớn và bắt ép trẻ phải ăn bằng hết. Từ cưng nựng, nịnh nọt, “mua chuộc” con rằng ăn hết mẹ sẽ cho cái này cái kia, dụ trẻ bằng ti vi, ipad đến những lời quát tháo, phạt, mắng mỏ….bố mẹ đều áp dụng hết để những mong con ăn hết bát bột, bát cháo đầy ú ụ kia.

To không đồng nghĩa với khỏe

Bố mẹ cần hiểu rằng, số cân nặng không đồng nghĩa với sức khỏe tăng. Gây áp lực cho trẻ trong chuyện ăn uống, ép trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu cơ thể trẻ cần mà không biết đâu là điểm dừng sẽ tăng nguy cơ trẻ bị béo phì, thừa cân và các bệnh liên quan đến tâm lý khác.

Trẻ nhỏ có khả năng đoán cảm xúc cũng như có thể dễ dàng nhận ra bố mẹ thất vọng thế nào khi chúng không ăn hết khẩu phần ăn. Những trải nghiệm xấu này khiến trẻ mất đi cảm giác đói và cảm giác no tự nhiên. Chúng không có những cảm giác bình thường này, thay vào đó chúng chỉ hiểu rằng chưa ăn hết thức ăn nghĩa là chưa no. Nếu bố mẹ cứ mãi “mua chuộc”, dụ dỗ con ăn bằng được, thì dần dần con cũng sẽ tìm cách đối phó, và con coi việc ăn hết khẩu phần là việc buộc phải làm để đạt được mục đích nào đó. Trẻ cũng sẽ cảm thấy mình tồi tệ, không phải là niềm tự hào của bố mẹ khi không ăn hết phần ăn kia.

Dung tích dạ dày của trẻ chỉ tương đương bằng nắm tay của trẻ đó. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Có thông tin này chắc sẽ khiến các bậc phụ huynh ngỡ ngàng, đó là dung tích dạ dày của trẻ chỉ tương đương bằng nắm tay của trẻ đó. Dung tích dạ dày lớn phụ thuộc vào kích cỡ cơ thể và số tuổi của trẻ. Vì thế trẻ càng lớn thì dung tích dạ dày cũng lớn theo. Những em bé nhỏ hơn, dung tích dạ dày nhỏ thì không được phép ăn nhiều, vượt quá khả năng dạ dày có thể chứa và tiêu hóa được. Tuy nhiên có một điều là, dạ dày của con người lại có thể tăng gấp 4 lần về kích cỡ nếu tình trạng nhồi nhét thức ăn cứ mãi tiếp diễn.

Thay vì “nhồi” con ăn, hãy “nhồi” con chơi

Thay vì “nhồi” con ăn, hãy “nhồi” con chơi. (Ảnh: Kiến thức)

Để góp sức một phần vào việc nâng cao nhận thức về bệnh béo phì, thừa cân ở trẻ em, bố mẹ cần tập trung vào chất lượng của món ăn, bữa ăn, thay vì quan tâm quá nhiều đến số lượng. Bài học bố mẹ cần học khi con bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm, là học cách lắng nghe con, tôn trọng nhu cầu của con. Thay vì cho con ăn 3 bữa đầy ú ụ thì hãy chia nhỏ bữa ăn thành 5 bữa chẳng hạn, bữa sáng, bữa phụ sáng, bữa trưa, bữa ăn phụ chiều và bữa tối. Với trẻ đang ở tuổi ăn dặm, dưới 1 tuổi thì thức ăn chính vẫn là sữa, các món khác chỉ mang tính chất giới thiệu và cho trẻ làm quen với đồ ăn mới mà thôi.

Thói quen ăn uống của trẻ được hình thành từ rất sớm, ngay từ giai đoạn ăn dặm. Đồng nghĩa với việc bố mẹ có sức ảnh hưởng rất lớn đến việc trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh sau này hay không. Bạn cứ nghĩ xem việc bạn chạy theo con, dụ con ăn thêm một thìa bột thìa cháo sẽ khiến con trở thành đứa trẻ lớn lên chỉ biết ăn thụ động, không có niềm vui trong ăn uống, ăn thô kém, viễn cảnh đó tồi tệ đến mức nào?

Con hạnh phúc khi được chơi. (Ảnh: Asia Times)

Có bao giờ bố mẹ tự hỏi mình, con có vui, con có hạnh phúc khi ăn hết những bát bột, bát cháo đó hay không? Hay đó chỉ là niềm hạnh phúc sai lầm của bố mẹ. Thay vì mừng húm vì con ăn thêm được một thìa, hãy lấy làm vui khi con nhanh nhẹn, hoạt bát, thích chạy nhảy, vui đùa và thích các hoạt động ngoài trời. Trẻ chỉ vui khi được chơi và chúng có khả năng tiếp nhận mọi kiến thức qua các hoạt động vui chơi. 

Ăn nhiều cá, nhiều thịt không giúp con thông minh hơn, chơi nhiều mới giúp kích thích não bộ con phát triển. Bụ bẫm dễ thương không giúp con tăng thêm sức đề kháng, nó chỉ khiến con ì ạch, ngại vận động, ngại di chuyển. Ăn nhiều bữa không giúp con khỏe, mà vô tình khiến con mất đi sự trân trọng cảm giác đói, cảm giác thỏa mãn khi được ăn no. Vậy nên, đừng “nhồi” con ăn, hãy “nhồi” con chơi, bố mẹ nhé!

Theo Giadinhmoi

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X