Tiền lương giáo viên và nhân viên trường học sẽ như thế nào khi cải cách tiền lương?
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình.
Cải cách tiền lương: Lương nhà giáo có được ưu tiên xếp cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp không?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho thấy, mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp nhưng áp lực công việc rất lớn.
Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với 1 triệu nhà giáo cũng đã có 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết chủ trương này của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương của năm 2024 hay không? Giải pháp về chính sách cho nhà giáo? Đồng thời đại biểu cũng chuyển câu chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.
Hai Bộ sẽ phối hợp rà soát các quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo
Trả lời câu hỏi của dại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Trong việc thực hiện các chính sách cải cách tiền lương tới đây, quan điểm của Đảng về tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp tới đây là rất nhất quán.
Trước mắt cần nhìn một cách tổng thể, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có lương và tiền lương theo các bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương. Tuy nhiên do tính chất đặc thù nên vẫn còn thấp.
Do đó, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới đây, khi thực hiện các chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp và điều này là nhất quán.
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Chế độ tiền lương đối với nhân viên trường học còn thấp
Về giải pháp để cải thiện tiền lương của nhân viên trường học, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay có khoảng 150.000 viên chức công tác làm nhiệm vụ hỗ trợ và phục vụ tại trường học.
Tuy nhiên chế độ lương với nhân viên trường học còn thấp, chưa bảo đảm được mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Do vậy, trong quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương tới đây, sẽ đề nghị các địa phương tổng rà soát lại toàn bộ số lượng nhân viên trường học.
Qua đó, trên cơ sở Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để có phương án rà soát, sắp xếp đảm bảo đúng danh mục vị trí việc làm, giúp thực hiện cải cách tiền lương đối với đối tượng này.
Bộ trưởng cũng cho biết, các nhân viên trường học hiện không được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nên nếu thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đối tượng này sẽ chịu thiệt thòi nhất định.
Do vậy, các bộ, ngành liên quan cần xem xét ban hành hướng dẫn nghiệp vụ về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên trường học, để khi thực hiện cải cách tiền lương có thể xếp lương tốt hơn cho đối tượng này.
“Bộ Nội vụ cũng sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét về việc này”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tien-luong-nha-giao-se-nhu-the-nao-khi-cai-cach-tien-luong-119231107125852138.htm