5 loại vắc xin chị em cần biết để tiêm phòng trước khi mang thai
Bác sĩ Đoàn Thị Mai chia sẻ, trong 1000 ngày vàng đầu tiên của em bé, có 270 ngày nằm trong bụng mẹ, em bé nhận được mọi thứ từ người mẹ.
Vì vậy một em bé sinh ra khỏe mạnh thì nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất là người mẹ khỏe mạnh trước và trong suốt thai kì.
Vì sao người mẹ cần tiêm phòng?
Thứ nhất, trong khi mang thai hệ thống miễn dịch cơ thể mẹ sẽ yếu hơn bình thường, do dó nguy cơ mắc bệnh của người mẹ sẽ tăng lên. Mẹ cần tiêm phòng để đảm bảo sức khỏe cho mình.
Thứ hai, trước khi chào đời em bé nhận kháng thể từ mẹ qua nhau thai.
Vì vậy người mẹ khỏe mạnh, tiêm phòng đầy đủ, có nhiều kháng thể kháng được nhiều bệnh thì em bé sinh ra cũng nhận được nhiều kháng thể.
Điều này giúp em bé khỏe mạnh hơn trong những tháng đầu đời khi mà chưa kịp tiêm phòng các mũi tiêm quan trọng.
Chúng ta cần có kế hoạch tiêm phòng trước khi mang thai, bởi nhiều nhiều loại vắc xin quan trọng dạng vắc xin sống giảm độc lực sẽ không được tiêm phòng khi phụ nữ đang mang thai.
Mẹ cần tiêm phòng để đảm bảo sức khỏe cho mình. (Ảnh minh họa)
Những loại vắc xin nào là thực sự cần thiết?
1. Vắc xin phòng Sởi-Quai bị- Rubella.
Vắc xin Sởi- Quai bị- Rubella là mũi tiêm quan trọng hàng đầu đối với người mẹ. Đây là dạng vắc xin sống giảm độc lực nên cần tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng. Hiện nay có thể tiêm mũi tổng hợp phòng được 3 bệnh luôn.
Mắc Sởi trong 3 tháng đầu có nguy cơ gây dị tật thai nhi cao. Những tháng sau người mẹ có thể mắc những biến chứng sản khoa như sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Em bé có thể mắc sởi tiên phát lúc sơ sinh.
Quai bị đối với người mẹ có thể gây nhiễm trùng buồng trứng. Phá hủy tế bào trứng khiến khó thụ thai và thậm chí là vô sinh thứ phát. Đối với em bé có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non. Nguy cơ cao nhất là ba tháng đầu và ba tháng cuối.
Rubella (sởi Đức) ảnh hưởng nghiêm trọng nên tim, mắt, não, gây dị tật thai nhi.
Trường hợp nếu tiêm phòng mà mẹ có thai trước 3 tháng thì cần làm tầm soát dị tật cho bé.
Mũi tiêm này các mẹ có thể chủ động tiêm sớm, phụ nữ khi bắt đầu đến độ tuổi sinh sản là có thể tiêm.
2. Vắc xin Thủy đậu
Vắc xin Thủy đậu cũng là vắc xin sông giảm độc lực, và cần tiêm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
Mắc thủy đậu cũng có nguy cơ cao gây dị tật bẩm sinh. Mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu, em bé có thể mắc Hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Trước khi sinh 5 ngày và sau sinh 2 ngày, nếu mẹ mắc thủy đạu cũng có thể lây cho em bé do lúc này mẹ chưa kịp tạo kháng thể để truyền cho con.
Nếu mẹ đã mắc thủy đậu trước đó rồi thì không cần tiêm. Trường hợp mẹ chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng thủy đậu thì cần tiêm phòng mũi vắc xin này.
Tiêm phòng trước khi mang thai là không bắt buộc nhưng mẹ nên tiêm vì nó giúp mẹ chủ động bảo vệ tốt hơn sức khỏe cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)
3. Vắc xin Viêm gan B
Đây là bệnh nguy hiểm, có thể gây xơ gan, ung thư gan cho người mắc. Trong cộng đồng có tỉ lệ người mắc viêm gan B tương đối cao. Mẹ mắc viêm gan B có thể lây cho em bé. Trong lúc mang thai tỉ lệ lây sang bé thấp là khoảng 2%, nhưng trong lúc chuyển dạ tỉ lệ lây sang em bé rất cao, có thể nên tới 90%.
Những người mắc viêm gan B rồi thì không tiêm phòng được nữa. Vì vậy trước khi mang thai người mẹ cần tầm soát viêm gan B để có kế hoạch tiêm phòng bổ sung và có hướng giải quyết nguy cơ truyền virus sang cho bé.
Việc tầm soát này rất quan trọng. Bởi vì nếu mẹ mắc viêm gan B nhưng em bé được tiêm phòng đầy đủ và sớm 2 mũi tiêm là vắc xin viêm gan B và Immunoglobulin kháng viêm gan B sẽ giảm được từ 80 đến 90% khả năng mắc viêm gan B.
4. Vắc xin Cúm
Cúm là bệnh thường gặp, với người bình thường cúm không gây biến chứng gì nguy hiểm nhưng với phụ nữ mang thai thì khác. Do quá trình mang thai ngưởi mẹ suy giảm sức miễn dịch nên cúm nguy hiểm với người mẹ. Thống kê từ các dịch cúm cho thấy đối tượng trẻ em và phụ nữ mang thai là nhóm có tỷ lệ tử vong do cúm cao.
– Cúm còn có nguy cơ gây dị tật thai nhi trong 3 tháng đầu mang thai.
– Các mẹ hoàn toàn có thể tiêm cúm trong lúc mang thai, nếu trước đó mẹ chưa kịp tiêm.
– Trong lúc mang thai sẽ chống chỉ định với vắc xin cúm dạng xịt ( vắc xin sống giảm độc lực).
5. Vắc xin Bach hầu- Ho gà- Uốn ván
Vắc xin Uốn ván là vắc xin phòng các bệnh nhiễm trùng cho mẹ và bé trong thai kì, khi sinh và sau sinh.
Nếu mẹ mang thai lần đầu và chưa tiêm phòng uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất thì mẹ cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh này.Thời điểm lí tưởng là trong 3 tháng giữa của thai kì. Mũi đầu và mũi thứ hai cách nhau tối thiểu 1 tháng, mũi thứ 2 trước dự sinh ít nhất 1 tháng.
Vắc xin Ho gà được khuyến cáo tiêm cho mẹ trong lúc mang thai. Vì ho gà rất nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, và có nghiên cứu cho thấy em bé của mẹ được tiêm vắc xin ho gà ít có nguy cơ mắc ho gà hơn em bé mà mẹ chưa tiêm.
Ngoài ra mẹ có thể tìm hiểu để tiêm phòng các mũi tiêm khác như viêm gan A, phòng ung thư cổ tử cung…
Tiêm phòng trước khi mang thai là không bắt buộc nhưng mẹ nên tiêm vì nó giúp mẹ chủ động bảo vệ tốt hơn sức khỏe cả mẹ và bé.
Một khởi đầu tốt sẽ giúp em bé phát triển càng thuận lợi hơn!